“Pinkville”- Hoài niệm và day dứt của Oliver Stone

Pinkville - lời tố cáo từ Mỹ Lai
“Pinkville”- Hoài niệm và day dứt của Oliver Stone

Ngày 30-8 vừa qua, đạo diễn Mỹ Oliver Stone tuyên bố tiếp tục làm một phim về đề tài chiến tranh tại Việt Nam: nói về cuộc thảm sát ở Mỹ Lai (1968). Bộ phim có nhan đề Pinkville, là tác phẩm có chung dòng chảy với những “siêu phẩm” của ông trước đây như Trung đội, Sinh ngày 4-7, Trời và Đất. Những bộ phim của Stone luôn có giá trị nhân văn sâu sắc, để lại cho người xem nhiều xúc cảm. Trang web Film Makers đã nhận xét Oliver Stone là “một nghệ sĩ đích thực còn sót lại trong nền điện ảnh đương đại ngày nay”. Với ông, tính nghệ thuật của tác phẩm luôn đặt lên trên giá trị vật chất.

Pinkville - lời tố cáo từ Mỹ Lai

“Pinkville”- Hoài niệm và day dứt của Oliver Stone ảnh 1

Đạo diễn Oliver Stone (phải) cùng lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Pinkville là bộ phim kể về vụ thảm sát ở Mỹ Lai (Quảng Ngãi) xảy ra vào năm 1968. Quân đội Mỹ đã giết hơn 500 người dân thường vô tội trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già. Diễn viên hành động gạo cội Bruce Willis sẽ góp mặt trong bộ phim lần này. Anh được đạo diễn Stone mời đóng vai William R.Peers, một chỉ huy quân đội đã cố gắng tìm ra nguyên nhân vụ thảm sát đẫm máu này.

Ngoài Bruce còn có sự tham gia của diễn viên 27 tuổi Channing Tatum, được biết đến với các vai diễn trong Step up, Coach Carter… Chàng trai trẻ này sẽ vào vai Hugh Thompson, người phi công đã giải cứu được một số nạn nhân trong vụ thảm sát. Còn Micheal Pena, người đã hợp tác với Stone trong World Trade Center nói về vụ 11-9 tại Mỹ sẽ hóa thân vào vai đại úy Ernest Medina, nhân vật chỉ huy cuộc thảm sát và cuối cùng đã phải trả giá cho hành động dã man, mất nhân tính của mình.

Pinkville được hãng United Artist đầu tư khoảng 40 triệu USD và sẽ khởi quay vào đầu năm 2008. Ngày 5 và 6-9 vừa qua, đạo diễn Stone cùng đoàn làm phim đã có mặt tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi để khảo sát, tìm hiểu thêm để thực hiện bộ phim này.

Sự kết hợp của tài năng thiên bẩm và máu phiêu lưu

Thời gian gần đây, Oliver Stone còn có thêm một chủ đề mới trong phim của mình: phim về những chính khách, về tình hình thời sự nóng hổi. Năm 2003, ông đã làm một bộ phim tư liệu về vị anh hùng dân tộc Cuba Fidel Castro có tên Comandante. Trong phim, ông đã nói về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của nhà sáng lập Đảng Cộng sản Cuba cũng như lòng ngưỡng mộ của mình với vị lãnh tụ tôn kính này. Cũng trong năm đó, một bộ phim về nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat cũng được ra đời với nhan đề Persona Non Grata. Tuy nhiên, khác với Comandante, phim còn nói về cuộc xung đột căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung Đông là Israel-Palestine.

Theo Film Maker, IMDb, Guardian

Oliver Stone sinh ngày 15-9-1946 tại New York (Mỹ) trong một gia đình khá giả. Cha ông, Lou Stone, là một nhà kinh doanh tầm cỡ; mẹ là Jacqueline Stone, người Pháp. Ngay từ khi còn bé, Oliver Stone đã thể hiện được khả năng thiên bẩm của mình. Lên năm tuổi, Stone đã viết được những vở kịch rối nhỏ rồi cùng anh chị em của mình làm diễn viên. Lên bảy, ông bắt đầu viết truyện. Hai năm sau đó, Oliver bước vào tuổi thứ chín và ông đã khiến mọi người phải ngạc nhiên khi cho ra đời cuốn sách 900 trang viết về gia đình và cuộc sống ở xung quanh.

Nhưng đến năm 15 tuổi, bất hạnh của gia đình đã xảy ra khi cha mẹ ông ly dị. Cha ông đã có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác.

Bỏ mặc đằng sau những chuyện không hay của gia đình, Oliver Stone quyết chí học hành. Sau khi tốt nghiệp trung học, Stone đăng ký vào Trường Đại học Yale, chuyên ngành khoa học nhân văn. Nhưng một năm sau ông rời Yale, quyết định đến Sài Gòn dạy học và để thỏa mãn thú “đi đây đi đó” của mình. Stone được nhận vào dạy tại một trường học người Hoa tại Chợ Lớn. Đó là năm 1965, Stone tròn 18 tuổi. Khi Stone đến Sài Gòn cũng là lúc những binh đoàn bộ binh và thủy quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đặt chân xuống miền Nam Việt Nam.

Sau 6 tháng làm nghề gõ đầu trẻ buồn tẻ, Stone lại rời Việt Nam trên một chiếc tàu buôn của Mỹ và đến Mexico. Ở đây, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết Giấc mơ của một đứa trẻ dày 1.400 trang, kể về thời gian sống và làm việc tại Đông Nam Á.

Năm 1967, sau những thất bại trong cuộc sống văn chương cũng như đời thường, Stone cảm thấy chán nản thật sự và quyết định đăng ký đi lính đến Việt Nam. Ông thuộc biên chế Binh đoàn bộ binh số 25 đóng gần biên giới Campuchia. Và cảm nhận đầu tiên của ông sau 2 năm trở lại Việt Nam là sự thay đổi trong tình cảm của người dân nơi đây với binh lính Mỹ: Họ đã nhìn binh lính Mỹ với ánh mắt căm thù.

Nặng lòng với Việt Nam

“Pinkville”- Hoài niệm và day dứt của Oliver Stone ảnh 2

Diễn viên Bruce Willis sẽ vào vai William R. Peers.

Sau 2 tuần tham chiến tại Việt Nam, Stone nhận ra mình đã bị lừa. Mục đích cuộc chiến tranh không phải để giành nhân quyền, dân chủ cho người dân bản địa như Chính phủ Hoa Kỳ phát động. Một cuộc chiến tranh phi nghĩa mà ở đó mọi người đều không muốn tham chiến nhưng vẫn phải chĩa nòng súng vào nhau. Trong một lần hành quân, Stone đã suýt chết khi bị quân du kích Việt Nam mai phục.

Với tất cả kinh nghiệm xương máu của mình, sau một thời gian thai nghén, ông đã cho ra đời bộ phim Trung đội (1986). Nội dung bộ phim nói về một tân binh phải đối mặt với khủng hoảng về niềm tin, đạo đức, lẽ sống sau thời gian sống trong chiến tranh. Bộ phim đoạt 4 giải Oscar - phim có đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản hay nhất, hình ảnh đẹp nhất và âm thanh hoàn hảo nhất - đã thể hiện rõ nhất sự hối hận, day dứt của Stone khi tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Trước đó, năm 1971, ông có bộ phim ngắn đoạt giải cũng nói về chủ đề Việt Nam có nhan đề Năm cuối tại Việt Nam, nói về những băn khoăn, hoài niệm về quá khứ đã qua tại Việt Nam của một cựu chiến binh khi lang thang trên những con phố tại New York.

Thành công trong chủ đề về Việt Nam cùng với con tim luôn tràn ngập sự ăn năn, hối hận, những tác phẩm về nơi ông chút nữa đã mất mạng cứ thế nối tiếp ra đời. Năm 1989, Sinh ngày 4-7, dựa trên cuốn hồi ký của Ron Kovac, cựu chiến binh tại Việt Nam bị liệt cả hai chân, đã chính thức ra mắt các khán giả hâm mộ điện ảnh trên toàn thế giới. Trong phim, người xem được biết đến tâm sự, cảm xúc của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam trước sự lừa dối của chính phủ và sau này đã trở thành người phản đối chiến tranh và nhà hoạt động vì nhân quyền nổi tiếng. Với nội dung đậm tính nhân văn sâu sắc, bộ phim đã đoạt 2 giải Oscar cho đạo diễn và kịch bản phim hay nhất. Ngoài ra, phim còn nhận được hơn 10 giải thưởng cùng 14 giải đề cử khác như: diễn viên xuất sắc nhất cho nam tài tử điện ảnh Tom Cruise, kỹ thuật ghi hình xuất sắc nhất cho nhà quay phim Robert Richardson…

Rồi Trời và Đất, bộ phim cuối cùng trong bộ ba phim dựa trên những câu chuyện có thật nói về các cô thôn nữ Việt Nam vươn lên tồn tại dù phải chịu nhiều tủi khổ trong và sau chiến tranh như: một nữ du kích, một người vợ của quân nhân Mỹ hay số phận người bị ép làm gái làng chơi… Bộ phim cũng đạt được thành công khi nhận giải Quả cầu vàng của Hiệp hội báo chí Hollywood và nước ngoài (HFPA) trao tặng.

Cao Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục