Liên tục trong 5 năm qua, Công ty Cổ phần Tư vấn Cảng-Kỹ thuật Biển (Portcoast) luôn là đơn vị tư vấn về cảng - kỹ thuật biển đứng đầu của Việt Nam. Doanh thu liên tục trong các năm của Portcoast là 3,3 tỷ đồng (năm 2005), 35 tỷ đồng (năm 2006), 115 tỷ đồng (năm 2007), 85,5 tỷ đồng (năm 2008), 260 tỷ đồng (năm 2009). Bài học thành công của Portcoast thì có nhiều nhưng một trong những bài học đắt giá nhất là Portcoast đã mạnh dạn và quyết liệt đầu tư cho chất lượng dịch vụ của mình.
Hội đồng khoa học của Portcoast
Cuối năm 2009, Tổng Giám đốc Portcoast, ông Trần Tấn Phúc đã tổ chức gặp mặt nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về cảng và kỹ thuật biển. Buổi gặp diễn ra rất thân mật bởi trong số những chuyên gia này có rất nhiều người đã từng là thầy giáo của các cán bộ, kỹ sư Portcoast như GS.TS Trần Minh Quang, GS.TS Lương Phương Hậu, GS.PTS Phạm Văn Giáp…. Tiến sĩ Trần Doãn Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải cũng có mặt trong buổi ấy.
Tất nhiên, cuộc gặp mặt không chỉ là để hỏi thăm nhau. Trước đó, ông Trần Tấn Phúc đã ngỏ ý mời tất cả chuyên gia, các giáo sư trong cuộc họp vào một hội đồng khoa học do Portcoast thành lập và tài trợ.
Do vậy, nội dung chính của buổi gặp gỡ là trao đổi những đề tài nghiên cứu mà hội đồng khoa học dự định sẽ triển khai ngay trong thời gian tới. Hàng loạt vấn đề liên quan đến thiết kế các công trình cảng – kỹ thuật biển như: Quy hoạch hệ thống cảng biển, mặt bằng cảng và các trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động của cảng biển; các dạng kết cấu công trình bến cảng, công trình bảo vệ khu nước cảng, xử lý nền đất yếu trong xây dựng cảng; ứng dụng các phần mềm tính toán thiết kế như Mike21, Mike 3, Shipma,.. vào thực tế ở Việt Nam; công nghệ khảo sát với hệ thống thiết bị khảo sát hiện đại hiện nay… là các nội dung nghiên cứu mà Portcoast đã gợi ý với các chuyên gia.
Ngay lập tức, chúng thu hút được sự quan tâm của các giáo sư, chuyên gia bởi đây thực sự là những vấn đề “nóng” trong xây dựng các công trình giao thông. Đại diện chủ nhà, ông Nguyễn Mạnh Ứng, Phó Tổng Giám đốc Portcoast cam kết: “Tạo mọi điều kiện cho hội đồng khoa học làm việc. Trước mắt, có thể lập một phòng thí nghiệm, một thư viện phục vụ cho công tác nghiên cứu”.
Theo Tiến sĩ Trần Doãn Thọ, với các vấn đề “nóng” của ngành giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, thêm một kênh xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học nhằm sớm tìm ra giải pháp cho các vấn đề này là một hướng đi hay. Hiện nay, trên thế giới, hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn đều có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu khoa học vì đây là điều kiện tiên quyết cho sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thực ra, để có được thành công như hiện nay, trước đó, Portcoast đã tập hợp được rất nhiều người tài về làm việc. Đội ngũ kỹ sư của Portcoast đều được tuyển chọn từ các sinh viên giỏi của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kỹ thuật, Đại học Hàng hải… Hàng năm, Portcoast đều tài trợ hàng trăm triệu đồng cho một số trường đại học có sinh viên chuyên ngành cảng-kỹ thuật biển và luôn có chào đón sinh viên giỏi đến từ mọi miền đất nước. Portcoast thuê hẳn một ngôi nhà ở một quận trung tâm TPHCM cho các sinh viên-kỹ sư trẻ, xa nhà này ở và làm việc. Kế hoạch đào tạo lên cao hơn nữa cho những kỹ sư giỏi cũng được Portcoast tính đến như một phần kế hoạch phát triển của mình.
Luôn trân trọng người tài như vậy nên việc thành lập hội đồng khoa học ở Portcoast vì thế, đối với nhiều người trong ngành là… không có gì bất ngờ. Nhất là khi Portcoast luôn có một mong muốn “chất lượng dịch vụ của mình phải hoàn hảo, hơn hẳn và nổi bật không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới” như ông Trần Tấn Phúc vẫn thường khẳng định.
Minh bạch để tạo uy tín
Tại lễ tổng kết hoạt động năm 2009, một Phó Tổng Giám đốc khác của Portcoast, ông Dương Mạnh Trung cho biết, vừa qua bộ phận giám sát thi công do ông phụ trách đã cương quyết gửi lại “quà Tết” cho một nhà thầu trong một dự án xây cảng mà Portcoast làm nhiệm vụ: tư vấn giám sát. “Chúng tôi cám ơn nhà thầu, xin nhận tấm Thiệp chúc tết và thuyết phục họ nhận lại quà” - ông Dương Mạnh Trung kể.
Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa của nó lại lớn, nhất là khi Đảng và Chính phủ cương quyết lập lại kỷ cương, phép nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Món quà nhỏ ngày Tết có thể chỉ đơn giản là… quà Tết theo nghĩa tốt đẹp của ông bà ta. Tuy nhiên, nói “không” với quà khi còn đang trong thời gian “thi hành công vụ” vẫn là một động thái nên làm, là một nét đẹp trong hoạt động xây dựng mà các đơn vị nên hướng tới.
Điều này có thể làm cho Portcoast mất khách hàng không? Thực tế đã chứng minh: “không hề” bởi nó chỉ làm cho chủ đầu tư yên tâm hơn về dịch vụ giám sát chất lượng mà Portcoast cung cấp. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, hầu hết dự án xây dựng cảng biển lớn của Việt Nam đều do Portcoast thực hiện với tư cách tư vấn thiết kế và giám sát.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Giao thông Vận tải giao đã được Portcoast hoàn thành và cuối năm 2009, đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Dự án mở luồng tàu biển Soài Rạp ở TPHCM, Portcoast đã được chủ đầu tư là Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) tín nhiệm chọn làm tư vấn thiết kế và giám sát; Dự án làm luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Portcoast được giao làm tư vấn thiết kế chính, phối hợp với tư vấn Nippon Koei (Nhật) và thuê thầu phụ là Viện Nghiên cứu Thủy lực Đan Mạch (DHI) thực hiện; các dự án có vốn đầu tư nước ngoài như cảng container như SITV, SP-PSA, CMIT, SSIT… các chủ đầu tư cũng tin tưởng giao cho Portcoast làm tư vấn.
Năm năm hình thành và phát triển, Portcoast có quyền tự hào về những gì đã đạt được. Tuy nhiên, con đường phía trước mới là con đường dài… nhất là khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn hàng hải ngày càng khốc liệt. Nhiều tập đoàn tư vấn lớn của thế giới không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và các đơn vị tư vấn khác của Việt Nam cũng có những ước mơ vươn lên đỉnh cao. “Do vậy, Portcoast sẽ phải nỗ lực thật nhiều hơn nữa” -ông Trần Tấn Phúc khẳng định.
NGUYỄN KHOA