Portcoast nghĩa tình với Hương Sơn

Khi chúng tôi đến huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, trời đã về chiều. Dọc hai bên đường, những mảng màu của cây lá đã xanh trở lại. Cuộc sống bề ngoài như có vẻ đã hồi sinh trở lại trên vùng đất của một trong những nơi được coi là rốn lũ của cơn hồng thủy vừa qua.

Khi chúng tôi đến huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, trời đã về chiều. Dọc hai bên đường, những mảng màu của cây lá đã xanh trở lại. Cuộc sống bề ngoài như có vẻ đã hồi sinh trở lại trên vùng đất của một trong những nơi được coi là rốn lũ của cơn hồng thủy vừa qua.

Ngày đầu tiên tại Hương Sơn

Đầu tháng 11-2010, cùng với bác sĩ của các bệnh viện Nhi đồng 1, Từ Dũ, Đa khoa An Bình, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng-Kỹ thuật Biển (Portcoast) đã  đi thăm, tặng quà và khám chữa bệnh cho bà con vùng lũ thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Chúng tôi tới sân bay Vinh vào lúc 1 giờ chiều. Không kịp ăn trưa, cả đoàn về đến Hương Sơn vào khoảng 3h chiều. Nghe tin đoàn đến, các anh lãnh đạo huyện lại muốn mời sang UBND huyện gặp mặt, vậy là sau khi trao đổi kế hoạch với chị Xoa – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng huyện xong, cả đoàn vội sang Văn phòng UBND huyện. Tiếp đoàn là anh Định – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Trưởng ban Tiếp nhận cứu trợ của huyện cùng hai lãnh đạo trẻ của huyện.

Portcoast nghĩa tình với Hương Sơn ảnh 1

Trao quà cho người dân xã Sơn An

Anh Định cho biết: Tính đến nay, đã có trên 200 đoàn cứu trợ bao gồm các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước đến với huyện Hương Sơn. Ai cũng mang đến cho người dân Hương Sơn những tấm lòng chia sẻ đùm bọc thật cảm động. Việc đoàn bác sĩ từ thành phố ra khám chữa bệnh cho bà con sau lũ là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, sau những đợt hàng cứu trợ kịp thời trong suốt thời gian lũ lụt hoành hành như mì tôm, gạo, quần áo,… thì việc doanh nghiệp như Portcoast trao quà trực tiếp cho bà con bằng tiền mặt sẽ giúp bà con phần nào để trang trải các chi phí cần thiết.

Gần 5 giờ chiều, cả đoàn lên xe. Trong cái se lạnh của tiết trời đầu đông, 3 chiếc xe của Portcoast bám sát nhau lặng lẽ phóng về thành phố Hà Tĩnh. Vậy là công tác chuẩn bị, sắp xếp đã được thực hiện theo đúng chương trình dự kiến. Ngày mai, đoàn sẽ xuống với bà con xã Sơn Hòa. Suốt buổi tối, có một cảm giác khó diễn tả cứ chập chờn trong tôi. Mặc dù đã không biết bao nhiêu lần trong đời tham gia đóng góp cứu trợ nhưng bây giờ tôi đang chờ đợi ngày mai, bởi đây là lần đầu tiên tôi có dịp trực tiếp đi đến với bà con vùng lũ.

Một ngày đáng nhớ

Ngày 12-11, chúng tôi rời thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi bám theo quốc lộ 1A để đến Hồng Lĩnh. Từ Hồng Lĩnh, chúng tôi sẽ theo tỉnh lộ 8, hướng về phía biên giới với Lào. Qua khỏi thị trấn Hương Sơn, xe chúng tôi tiến vào một vùng đất bán sơn địa. Dọc hai bên đường, di chứng của trận lụt kinh hoàng để lại vẫn còn khá rõ nét. Trên cánh đồng, những người nông dân đang tiếp tục dọn vét các mương rãnh thoát nước. Trong làng, những bức tường nhà vẫn hằn in ngấn nước của trận lụt kinh hoàng.

Các bác sĩ đang khám bệnh cho bà con xã An Hòa

Các bác sĩ đang khám bệnh cho bà con xã An Hòa

9 giờ sáng, đoàn đến UBND xã Sơn Hòa. Bà con đã tập trung đông chật kín khoảnh sân trước ủy ban. Cả đoàn nhanh chóng tách thành 2 nhóm: Nhóm Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 tập trung về Trạm y tế xã cách đó khoảng vài trăm mét. Nhóm Portcoast vào Ủy ban Nhân dân. Tiếp chúng tôi là anh Hà Học Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn Hòa, các anh chị lãnh đạo xã và trưởng các xóm. Anh Tuấn cho biết, xã Sơn Hòa có 12 xóm với tổng số 680 hộ gia đình. Trận lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân trong xã. Giữa sân ủy ban, hai chiếc bàn “dã chiến” đã được kê sẵn. Nhìn những nét mặt vui mừng của bà con, những cái bắt tay thật chặt với các cụ lão nông, chúng tôi dường như quên đi cái mệt. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị lãnh đạo xã và các xóm trưởng, phần quà cho UBND xã và toàn bộ 680 phần quà đã được trao đến tận tay người dân.

13 giờ chiều, vì muốn khám được nhiều nhất có thể cho bà con, một phần vì đã trưa rồi mà bà con vẫn đang chờ đợi để được khám bệnh, phát thuốc nên phải đến lúc này, đoàn mới tạm nghỉ để đi ăn cơm. Bữa cơm quê đơn giản mộc mạc được chúng tôi nhờ một nhà dân trong xã chuẩn bị. Vẫn như chiều hôm trước, mặc dù khá mệt nhưng niềm vui làm cho tất cả mọi người ai cũng cảm thấy thật ngon miệng. 13 giờ 30, bác sĩ Bích Liên giục mọi người nhanh chóng trở lại Trạm Y tế Sơn Hòa để các bác sĩ tiếp tục khám phát thuốc cho bà con.

Chiều 12-11-2010, chúng tôi tiếp tục sang xã Sơn An. Chương trình phát quà cho các hộ gia đình Sơn An đã được thông báo trước với lãnh đạo xã. Đón chúng tôi là anh Châu – Chủ tịch UBND xã Sơn An - một con người chân chất cứ gợi cho tôi nhớ lại hình ảnh anh chủ nhiệm trong bài thơ “Anh Chủ nhiệm” mà tôi đã học 20 năm trước. Anh Châu cho biết: Sơn An là một trong những xã ở vùng rốn lũ, chịu thiệt hại nặng nề nhất trong huyện Hương Sơn.

Chỉ tay vào ngấn nước trên tường cao đến hơn 1,5m so với nền nhà, anh Châu cho biết trong mưa lũ, cả xã chỉ lo việc chuyển đồ đạc từ chỗ thấp lên chỗ cao cũng hết cả ngày. Nước ngập cao trắng xóa cả xóm làng, vật nuôi, hoa màu cứ thế theo lũ lụt mà bị cuốn trôi. Xã bị chia cắt. Trong suốt 4 ngày liền, cái đói, cái lạnh bao vây bà con. Cực không thể nào tả xiết. Giờ đây, khi cái lụt đã trôi qua, người dân đang đối mặt với bao khó khăn và nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Việc Bệnh viện Nhi đồng 1 về khám bệnh và Portcoast về tặng quà trực tiếp bằng tiền mặt cho bà con là cực kỳ cần thiết và mọi người rất cảm động.

Chúng tôi rời An Hòa khi nắng chiều đang nhạt dần trên các bờ cây, ngọn cỏ. Đâu đó trong ngõ xóm, lẫn trong làn khói lam mỏng manh trên những mái tranh nghèo là tiếng cười vang vọng của lũ trẻ. Một sự hồi sinh đã đến và sẽ đến nhanh hơn trên mảnh đất này.

Khám bệnh và cấp thuốc cho bà con

Ngày 13-11-2010, vì công việc phát quà của Portcoast đã xong nên hôm nay chúng tôi về lại xã Sơn An theo đúng nghĩa là “hỗ trợ” cho đoàn bác sĩ về khám bệnh cho bà con. Cũng như hôm trước, việc khám, cấp phát thuốc cho bà con xã Sơn An – với sự hỗ trợ sắp xếp của các anh bên UBND xã – được tiến hành một cách thuận lợi. Khoảng hơn 500 lượt khám, cấp phát thuốc đã được các bác sĩ, dược sĩ thực hiện miệt mài từ sáng đến hơn 12 giờ trưa.

Chiều ngày 13-11-2010, các đoàn của Bệnh viện Từ Dũ, An Bình và đoàn chúng tôi hội quân về UBND huyện Hương Sơn. Trao đổi với đoàn, anh Nguyễn Xuân Thọ - Bí thư huyện ủy cho biết trận lụt vừa rồi chỉ thua trận lũ lịch sử năm 2002 ở tốc độ, còn mức độ tàn phá thì không hề kém. Thiệt hại của Hương Sơn là rất lớn. Như vậy trong 2 ngày, tổng cộng đoàn bác sĩ của 3 bệnh viện đã khám và cấp phát thuốc cho 3.700 lượt đồng bào vùng lũ.

Riêng với Portcoast, số tiền 150 triệu đồng của công ty đã được trao tận tay bà con và UBND xã Sơn An và Sơn Hòa. Mặc dù ngay từ những ngày đầu tiên khi lũ về, công ty đã kịp thời gửi tiền cứu trợ thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Đó là chưa kể các đợt đóng góp thông qua các tổ chức xã hội khác, nhưng phải đến khi trực tiếp về vùng đất này, chúng tôi mới cảm nhận hết được tình người sau cơn lũ.

Ghi chép của PHẠM ANH TUẤN

Tin cùng chuyên mục