Portcoast là tên gọi tắt của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật Biển. Một đơn vị được chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đánh giá là một đơn vị tư vấn hàng đầu của Bộ Giao thông Vận tải bởi những dấu ấn rất đáng tự hào của Portcoast trên nhiều công trình biển của đất nước.
Chộn rộn cho 2 luồng tàu biển mới
Những ngày này, văn phòng chính của Portcoast tại quận 1, TPHCM khá vắng vẻ. Kỹ sư trưởng của Công ty, Tiến sĩ Trương Ngọc Tường “bật mí”: Tất cả cán bộ, công nhân đang ở… trên biển, chuẩn bị xây dựng 2 luồng tàu biển mới cho TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long, đó là Soài Rạp và kênh Quan Chánh Bố.
Cách nay hơn 100 năm, sông Soài Rạp - một dòng sông rộng, với chiều ngang có nơi lên tới hơn 2km, chảy từ ngã ba sông Đồng Nai với sông Sài Gòn, ra biển, chỉ vì vài điểm cạn nên đã không lọt vào “mắt xanh” của người Pháp khi chọn luồng cho tàu biển vào cảng biển Sài Gòn. Lúc ấy, sông Lòng Tàu đã vượt lên và trở thành luồng tàu biển chính ra, vào Sài Gòn suốt hơn 100 năm nay. Sông Soài Rạp chịu phận “hẩm hiu” cho đến khi Chính phủ quyết định di dời hệ thống cảng biển Sài Gòn hiện hữu ra khỏi nội thành TPHCM-một động thái nhằm tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển.

Đê chắn sóng ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh : A.N.
Hơn nữa, bởi nằm sâu trong nơi “đất chật, người đông”, các cảng ở đây đã không còn cơ hội phát triển, thậm chí hoạt động vận chuyển hàng hóa của chúng còn bị coi là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông cho thành phố. Không ai khác, mà chính Portcoast đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng giao làm quy hoạch di dời hệ thống cảng biển Sài Gòn ra khỏi nội thành, hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, khi di dời hệ thống cảng biển ra khỏi nội thành, một câu hỏi nữa lại được đặt ra: luồng tàu biển nào thay thế? Portcoast lại được giao nhiệm vụ tìm ra câu hỏi này. Bắt đầu từ giai đoạn 1997-1998, những cán bộ kỹ thuật hàng đầu của Portcoast (khi Portcoast còn là một đơn vị nhỏ thuộc Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam-Tedi South) đã cùng Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (PCI) là đơn vị được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư công trình tìm luồng tàu biển mới.
Khu Nam TPHCM lúc bấy giờ chỉ có cỏ lác, nước ngập và muỗi mòng… Thế nhưng, họ đã tìm ra Soài Rạp. Các tính toán của Portcoast cho thấy, nếu được nạo vét đúng cách, Soài Rạp sẽ là luồng tàu biển tiềm năng của TPHCM. Đã có một đợt nạo vét thử nghiệm đầu tiên và các tàu có trọng tải 10.000 tấn đã có thể ra, vào và sắp tới là đợt nạo vét thứ 2, xuống âm 9,5m.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc các dự án của Portcoast, với độ sâu 9,5m cộng với lợi dụng thủy triều, tàu biển trọng tải 50.000 tấn giảm tải có thể dễ dàng theo luồng Soài Rạp ra vào các cảng khu vực Hiệp Phước. Tính hiệu quả của Soài Rạp đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến xây dựng cảng ở khu Nam TPHCM mà tiêu biểu là một nhà đầu tư đến từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Dubai World - tập đoàn cảng biển lớn thứ 2 trên thế giới. Những ngày này, một bộ phận không nhỏ cán bộ công nhân viên Portcoast đang nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2. Do đó, khách hàng đến văn phòng Công ty chẳng thấy họ là vậy.
Song hành với Soài Rạp, một bộ phận cán bộ kỹ thuật khác của Portcoast cũng đang miệt mài cho việc triển khai xây dựng luồng tàu biển mới cho đồng bằng sông Cửu Long: kênh Quan Chánh Bố. Đồng bằng sông Cửu Long - vựa thóc lớn nhất nước nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn không ít khó khăn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là đến 80% nông sản của miền Tây vẫn phải đưa lên TPHCM để xuất khẩu. Đường xa đã làm cho hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long giảm tính cạnh tranh. Lời lãi không nhiều, cuộc sống người nông dân cũng không khá lên được. Chính vì thế, yêu cầu có một luồng tàu biển đủ sức tiếp nhận những tàu biển lớn, ra vào để xuất-nhập khẩu hàng hóa cho đồng bằng sông Cửu Long trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực ra, ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có một luồng tàu biển là Định An.
Nhưng tuyến luồng này luôn thay đổi, lại bị bồi lắng thường xuyên nên chỉ tiếp nhận những tàu biển có trọng tải nhỏ hơn 5.000 tấn ra, vào. Một lần nữa, Portcoast lại được giao nhiệm vụ tư vấn. Trên cơ sở những nghiên cứu trước đây của Bộ GTVT, tập thể cán bộ Portcoast và các chuyên gia nước ngoài đã đề xuất phương án đào một kênh tắt từ biển nối vào kênh Quan Chánh Bố, làm một luồng tàu biển mới cho đồng bằng sông Cửu Long. Luồng tàu biển này có tính ổn định khá cao do có 2 đê chắn sóng được xây dựng ở ngoài biển che chở và kênh Quan Chánh Bố nằm sâu trong đất liền, ít bị bồi lắng. Đã có rất nhiều cuộc họp của các nhà khoa học góp ý cho phương án này.
Tuy nhiên, do có nhiều ưu điểm, phương án của Portcoast đã được Bộ Giao thông Vận tải chọn. Hiện nay, UBND tỉnh Trà Vinh -địa phương có dự án đi qua đã hoàn tất đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông Lưu Phước Lượng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong một cuộc hội thảo về việc mở luồng tàu biển nào cho đồng bằng sông Cửu Long đã phát biểu một cách… rất sốt ruột: “Phải hàng ngày chứng kiến từng đoàn xe tải, xe container chở hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long lên TPHCM để xuất khẩu mới hiểu hết nỗi mong muốn sớm có một luồng tàu biển lớn của người dân đồng bằng sông Cửu Long”.
Làm đê chắn sóng, xây cảng và làm quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam
Không chỉ xuôi xuống Nam mà Portcoast còn ngược ra miền Trung và miền Bắc, đặt dấu ấn trên hầu hết công trình biển lớn của khu vực này. Tại vịnh Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) có một cảng nước sâu tên Sơn Dương đang được Tập đoàn Formasa Plastic của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư xây dựng với số vốn (giai đoạn 1) lên tới 8 tỷ USD và giai đoạn 2 là 16 tỷ USD.
Vượt qua nhiều tư vấn trong và ngoài nước, Portcoast đã được chọn làm tư vấn chính thực hiện công việc khảo sát địa chất, địa hình, khí tượng thủy văn và làm thiết kế cảng nước sâu Sơn Dương. Trong những ngày đầu tháng 11-2008, chúng tôi đã có dịp cùng các cán bộ kỹ thuật của Portcoast đi khảo sát dòng chảy của vùng biển Vũng Áng. Đó là khoảng thời gian mưa, bão khắc nghiệt của miền Trung. Mưa và biển nổi sóng liên tục, song các cán bộ kỹ thuật của Portcoast vẫn bám biển, nhất định không lùi bước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất -niềm tự hào của miền Trung đã đi vào hoạt động. Trong công trình vĩ đại này, Portcoast cũng đã để lại một dấu ấn quan trọng, đó là việc thiết kế thành công đê chắn sóng Dung Quất. Tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất có một cảng cho tàu biển ra, vào tiếp nhiên liệu và vận chuyển thành phẩm cho nhà máy.
Vùng biển này phải thật lặng sóng để đảm bảo an toàn cho quá trình chuyển dầu. Chính vì thế, cảng buộc phải có đê chắn sóng. Đê chắn sóng đã được các kỹ sư của Portcoast thiết kế với công nghệ hiện đại, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới. Họ đã không ngại bỏ ra hàng trăm ngàn USD để mua bản quyền, nhận chuyển giao những kỹ thuật thiết kế hiện đại và luôn cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Đê chắn sóng nói trên là một con đê hiện đại vào bậc nhất Đông Nam Á và hiện đang giúp cảng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, hiệu quả.
Không chỉ thế, dấu ấn của Portcoast đã và đang để lại trên dự án trọng điểm của ngành Dầu khí như tại NM Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa; tổ hợp Lọc hóa Dầu Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ năm 2003, Portcoast đã triển khai các công tác khảo sát địa chất, thủy hải văn biển phục vụ việc lựa chọn vị trí và thiết kế sơ bộ các hạng mục công trình biển của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Portcoast cũng là đơn vị thực hiện khảo sát địa hình biển NMLD số 3 Long Sơn và hiện đang triển khai các công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy hải văn biển cho tổ hợp hóa dầu Long Sơn.
Ở dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Khánh Hòa – cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam, Portcoast là nhà tư vấn, thực hiện xuyên suốt các công tác tư vấn, từ lập quy hoạch chi tiết, khảo sát địa hình, địa chất, thủy hải văn cho đến lập dự án đầu tư và hiện đang liên danh cùng tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) thiết kế chi tiết.

Khoan khảo sát tại vịnh Vũng Áng (2008)
Tại Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), khu vực được quy hoạch xây dựng nhiều cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam, Portcoast cũng có những dấu ấn rất mạnh mẽ. Đó là việc lập quy hoạch cho toàn bộ khu vực cụm cảng số 5 bao gồm TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.
Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang được triển khai trong thực tế. Ngoài ra, Portcoast cũng giúp rất nhiều nhà đầu tư làm thiết kế xây dựng cảng tại đây. Đó là những nhà đầu tư tên tuổi như Công ty SP-PSA liên doanh giữa Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và PSA Việt Nam - một công ty trực thuộc Tập đoàn quốc tế PSA (PSAI)…Với tất cả những thành tích này, mới đây, Portcoast lại được Bộ Giao thông Vận tải tin tưởng giao thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2050.
Đây là công việc đòi hỏi phải có một tầm nhìn chiến lược về kinh tế biển cho đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Ông Trần Tấn Phúc, Tổng Giám đốc Portcoast khẳng định, đây sẽ là một đồ án quy hoạch tốt. Portcoast sẽ lắng nghe đầy đủ ý kiến góp ý của các nhà khoa học trong quá trình thực hiện quy hoạch này.
Quyết liệt nhưng biết cầu thị, Portcoast đang có những bước tiến dài trong hoạt động tư vấn cảng-kỹ thuật biển của Việt Nam. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng 10 năm, từ một phòng thiết kế thuộc Tedi South, Portcoast đã vươn lên trở thành đơn vị tư vấn cảng biển hàng đầu của Việt Nam, đặt dấu ấn lên hầu hết các công trình biển của đất nước.
An Nhiên