
Trong xu thế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, nhu cầu đối ngoại của công ty, doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. Điều này đòi hỏi mỗi công ty, doanh nghiệp phải có một bộ phận để làm nhiệm vụ tư vấn, quan hệ với báo chí, tổ chức các chương trình, sự kiện, đối phó rủi ro, các hoạt động trực tiếp với khách hàng… Và nghề PR - Public Relations ra đời.
Trước đây ở Việt Nam, PR được hiểu là nhân viên quan hệ cộng đồng và nó chưa được phổ biến rộng. Trong khoảng 3 năm nay, PR đã tương đối khá quen thuộc với nhiều người. PR là một ngành nghề mới đòi hỏi rất cao về năng lực làm việc, đặc biệt là những người làm PR dịch vụ, phải luôn có ý thức phấn đấu, sáng tạo tìm tòi cái mới. PR thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.

Đón tiếp báo chí trước khi vào họp - một công tác thường xuyên của người PR.
Nghề PR đòi hỏi người làm phải có khả năng tổ chức tốt, có thể làm việc độc lập, có óc sáng tạo nhanh, chịu được áp lực cao trong công việc và hiểu biết các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật… Một điều tiên quyết là phải thông thạo ngoại ngữ.
Hiện nay, trên thị trường có khoảng hơn 25 công ty dịch vụ chuyên về PR, đa phần là các công ty nước ngoài như: Max, Venus, Galaxy, Communications, Goldsun, O&M… Ngoài ra còn có hàng trăm công ty quảng cáo kiêm lĩnh vực PR và hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều rất cần nhân viên đối ngoại, do vậy nhu cầu tuyển dụng PR hiện khá cao.
Theo cô Cao Thị Lệ, người tổ chức chương trình học PR ngắn hạn cho Khoa Du lịch Thương mại (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), yêu cầu của các nhà tuyển dụng PR cũng không quá khắt khe, tuy nhiên cũng không chấp nhận lối mòn. Như vậy, chấp nhận vào nghề là chấp nhận làm việc trong một môi trường luôn có sự cạnh tranh, đòi hỏi nhiều nỗ lực của người làm việc.
Với các công ty, doanh nghiệp, sự tồn tại của PR là vô cùng quan trọng. Bà Lê Kim Thủy, Phó giám đốc Maketing của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, cho biết: “Từ khi có người phụ trách PR, những thông tin nhạy cảm về ngân hàng, cũng như nhu cầu của khách hàng đều được cập nhật cụ thể, tạo nên sự thuận lợi trong giao dịch”.
Bạn Thiên Hương, một người có kinh nghiệm về công việc PR tâm sự: “Nghề PR không giống như nghề may hay xây nhà, không thể làm việc theo mẫu. Là nghề luôn phải suy nghĩ và sáng tạo cả khi trong… giấc ngủ”. Bù lại cho công sức làm việc thì mức lương của người làm PR hiện nay khá hấp dẫn, bạn có thể thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng, thậm chí 10-20 triệu đồng, nếu chứng tỏ được mình là người có năng lực.
Tuy nhiên, nghề PR cũng là một môi trường dễ bị cám dỗ và nếu đạo đức người làm PR không vững, chữ tín của người PR không được đặt lên hàng đầu thì người làm PR có thể mang điều bất lợi đến với chính công ty, doanh nghiệp đó.
Hiện không có các lớp đào tạo PR chính quy, chỉ có những khóa đào tạo ngắn hạn nhưng số lượng không nhiều. Tại TPHCM, Khoa Thương mại-Du lịch Trường Đại học Kinh tế (số 54 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1 - TPHCM) mở khóa đào tạo PR ngắn hạn, mỗi khóa kéo dài 3 tháng với học phí 2,5 triệu đồng/khóa và mỗi năm mở 3 khóa. Đây là môi trường tốt đối với ai muốn theo nghề PR.
THÁI PHƯƠNG