Trong khi Snowden - “kẻ phản bội nước Mỹ” cùng với những tiết lộ về chương trình theo dõi công dân đang làm đau đầu giới chức Mỹ, thì tại nước này thêm một chương trình bí mật vi phạm quyền tự do của người dân được đưa ra ánh sáng. Theo hãng tin Reuters ngày 6-8, tài liệu mà hãng này có được cho biết một đơn vị bí mật của Cục Chống ma túy Mỹ (DEA) đã chuyển thông tin thu thập được từ các vụ nghe lén điện thoại, các nguồn tin và kho dữ liệu sử dụng điện thoại tới cơ quan an ninh trên khắp cả nước, để giúp họ điều tra các vụ án liên quan đến người dân Mỹ.
Đơn vị trên có tên là Đội hoạt động đặc biệt, bao gồm các thành viên thuộc FBI, CIA, NSA, Thuế vụ và Bộ An ninh nội địa. Được thành lập năm 1994 nhằm chống lại các tập đoàn ma túy Mỹ Latinh, đơn vị này dần phát triển số lượng nhân viên từ vài chục ban đầu lên vài trăm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định người dân Mỹ lần này ắt hẳn sẽ bị sốc nặng hơn và “chương trình” này sẽ gây phiền toái nhiều so với chương trình bí mật mà Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bí mật thu thập dữ liệu điện thoại của người dân do Snowden tiết lộ. Hành động của NSA liên quan đến an ninh quốc gia và nhằm mục đích ngăn chặn khủng bố, nhưng chương trình của DEA nhằm vào tội phạm thông thường, chủ yếu là đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy. Theo giáo sư Nancy Gertner ở Trường Luật Havard, điều này vi phạm quyền của bị đơn được quy định trong Hiến pháp Mỹ về xét xử công bằng.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, khi giới thiệu tính năng iMessage - ứng dụng nhắn tin miễn phí giữa các thiết bị với nhau, đại diện hãng Apple cho biết dịch vụ của họ đã được mã hóa theo chuẩn tối tân nhất, đảm bảo nội dung trò chuyện giữa các bên không thể bị xâm phạm. Điều này rất tốt đối với người dùng, nhưng DEA đã không hài lòng. Và theo trang mạng CNet, nếu các cơ quan điều tra Mỹ không còn cách nào khác để theo dõi iMessage, thì họ sẽ tìm cách để được cấp quyền cài phần mềm theo dõi vào thiết bị của người dùng, có thể là key-logger hoặc phần mềm gián điệp, với mục tiêu là ngăn ngừa tội phạm.
Người Mỹ rất tự hào rằng họ có “các giá trị Mỹ”, trong đó có những giá trị được coi là then chốt như “tự do”, “dân chủ” và “nhân quyền”. Không những thế, họ còn đặt ra các tiêu chí cho những giá trị này để phán xét về tình hình dân chủ và nhân quyền ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Song, với những gì đã và đang xảy ra trên nước Mỹ, tiết lộ mới cùng với “quả bom không hẹn giờ” mà Snowden để lại chắc chắn sẽ còn gây ra nhiều hệ lụy đến uy tín của một chính phủ chuyên rao giảng về tự do ở các nước khác.
Không những thế, trong bối cảnh để tuột “ổ cứng máy tính Snowden” - nguồn tài liệu lớn và cực kỳ nhạy cảm - về tay người Nga, lúc này nước Mỹ đang rơi vào tình thế bất lợi, dễ bị “há miệng mắc quai”. Nếu cứ tiếp tục tự xem mình là quan tòa, chĩa mũi chọn lên án Nga (và nhiều nước) vi phạm nhân quyền trong báo cáo nhân quyền hàng năm, nước Mỹ có thể bị lôi ra từ “ẩn số Snowden” những điều bí mật, có thể tiếp tục làm bẽ bàng chính quyền Mỹ.
HẠNH CHI