Qua Lào làm ăn - Làn sóng mới

Qua Lào làm ăn - Làn sóng mới

Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Viên Chăn, từ trên nhìn xuống, thủ đô của nước Lào xanh ngăn ngắt, những mảng xanh của rừng già. Không thấy những nóc nhà cao tầng lô xô. Càng xuống thấp càng thấy nơi đây vẫn còn hoang sơ, với những vạt rừng xanh thẳm, đường đất đỏ hon hon, thưa vắng xe cộ. Thế nhưng, với một số nhà đầu tư, vẻ hoang sơ và cuộc sống hiền hòa chầm chậm nơi đây đang hứa hẹn những cơ hội làm ăn lý tưởng. Và, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam không muốn chậm chân trong cuộc đua đầu tư làm ăn tại Lào.

Nhận diện cơ hội

Quả thật, nếu có điều kiện dạo quanh thủ đô Viên Chăn sẽ thấy nơi đây thật yên tĩnh, đường phố không tấp nập người xe, nhiều tòa biệt thự còn giữ được những vườn cây cổ thụ, có những cây hai người ôm giáp vòng không hết chu vi gốc.

Viên Chăn ấn tượng như một thủ đô bình yên, giống như một thị trấn nhỏ vùng cao ở Việt Nam. Trên các tuyến đường không thấy công an đứng gác. Nhiều chiếc xe hơi, loại pickup (xe bán tải) để ngoài đường, trước cổng nhà qua đêm mà không sợ bị mất cắp. Đi đường, vắng và im vì người đi xe không bấm còi inh ỏi.

Qua Lào làm ăn - Làn sóng mới ảnh 1

Đầu tư vào thủy điện là một trong những ngành có lợi thế và tiềm năng tại Lào.Ảnh: THÀNH TÂM

Người đàn ông gọi tên theo tiếng Việt, anh Năm, được giới thiệu là Vụ phó Vụ Lễ tân Văn phòng Chính phủ Lào, đã trải qua 4 năm học đại học tại Việt Nam, dẫn chúng tôi đến nhiều danh lam thắng cảnh của thủ đô Viên Chăn. Nhà ở đây xây không cao hơn cổng chiến thắng, nên thường cao cỡ 3 tầng. Thế nhưng, vì cuộc họp quốc tế APEC kỳ rồi ở Lào, một khách sạn 5 sao Don Chan cao lững lững đã mọc lên gần bờ sông, biểu tượng sự hiện đại và hội nhập rõ nhất của thủ đô này.

Khách sạn cũng nằm bên bờ sông, con sông biên giới nằm ngay trung tâm thủ đô của Lào, bên kia là đất Thái Lan. Anh Năm kể, mùa nước cạn, lòng sông hẹp lại, đứng bên này bờ nói chuyện vọng qua bên kia bờ với người dân Thái là chuyện bình thường. Và công trình cổng Chiến Thắng, xây dựng mô phỏng Khải Hoàn Môn của Paris tráng lệ, với những hoa văn đặc trưng của đất nước Lào là hình ảnh các tượng Phật…

Chỉ những nét phác họa như thế có thể thấy Lào đang có nhiều tiềm năng trong các ngành du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến nông - lâm sản, khai khoáng, thủy điện… Còn các ngành công nghệ cao như điện tử, tin học, các ngành công nghiệp nặng và cả công nghiệp nhẹ sử dụng nhiều lao động chưa phát triển mạnh, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nếu nhà đầu tư muốn tập trung vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, có thể thấy, đầu tư một số nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng cung cấp cho thị trường tại đây thì có thể. Với những thế mạnh và nền công nghiệp còn nhiều dư địa để phát triển như vậy, với nhiều nhà đầu tư, đây chính là những cơ hội vàng.

Tạo làn sóng đầu tư mới

Với một nhận định như vậy, có thể thấy một hướng quan trọng trong đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhiều cơ hội làm ăn đang được mở rộng với nhiều chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài của Chính phủ Lào. Phó Thủ tướng Thường trực Lào Sổmxavạt Lengsavắt đã cho biết, thu hút đầu tư từ nước ngoài đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008 đã thu hút hơn 6 tỷ USD.

 Với xu hướng nhiều DN VN đang quan tâm đến các cơ hội làm ăn tại Lào, và với cam kết hỗ trợ của BIDV, một làn sóng đầu tư mới của các DN sang Lào đang có cơ hội hình thành.

Trong đó, nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan đang có nhiều dự án đầu tư lớn tại đây trong các ngành thủy điện, khai khoáng, nông nghiệp. Đặc biệt, Thái Lan đã đi trước một bước so với Việt Nam khi đầu tư hàng chục dự án thủy điện, mà trước đó Việt Nam đã muốn sang đầu tư nhưng vì các thủ tục trong nước nên chậm chân. Vì vậy, đến nay mới 2 dự án thủy điện đang được triển khai và một số dự án đang thăm dò địa điểm.

Tuy nhiên, một số DN Việt Nam cũng đã nhanh chân chuyển hướng đầu tư qua Lào từ vài năm trước như Nhựa Sài Gòn, Tổng Công ty Cao su Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai… Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, trong mấy năm qua, với tư cách là Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam vào Lào, BIDV đã phối hợp, tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tìm hiểu các cơ hội làm ăn tại đây.

Đồng thời, BIDV cũng cam kết hỗ trợ tín dụng cho nhiều dự án hiệu quả đầu tư vào Lào như các dự án: đầu tư trồng và khai thác, chế biến cao su, thủy điện, khai thác khoáng sản, cơ sở hạ tầng, khách sạn cao cấp… Nhiều dự án của các DN VN triển khai tại đây đang được BIDV tài trợ vốn, giám sát dự án, quản lý vốn, quản lý tiến độ giải ngân...

Hiện nay, BIDV đã cùng các đối tác tại Lào góp vốn thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt và Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào - Việt. Qua các hoạt động này, BIDV đã góp phần tích cực vào việc thực thi chính sách tiền tệ vĩ mô của Chính phủ Lào và góp phần xây dựng thị trường bảo hiểm ngày càng phong phú, đa dạng.

Ông Trần Bắc Hà cũng cho biết thêm, là một trong những DN đầu tư trực tiếp vào Lào, BIDV luôn tích cực ủng hộ cũng như mong muốn trở thành đầu mối kêu gọi và vận động các DN tại VN tham gia các hoạt động cộng đồng, từ thiện tại Lào. Đến nay, BIDV cũng như các DN VN đã ủng hộ hơn 47 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, cộng đồng tại Lào.

 Với những lợi thế, tiềm năng mà đất nước Lào có được, những cơ hội đầu tư tại Lào là rất lớn. Các nhà đầu tư từ Việt Nam có thể quan tâm vào những ngành như khai thác khoáng sản, khai thác và chế biến gỗ tinh chế xuất khẩu, trồng và chế biến sản phẩm từ cây cao su, xây dựng và khai thác thủy điện… Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhận xét.

HOÀNG QUÂN 

Tin cùng chuyên mục