Nhà Nguyễn Trung Sơn ở cạnh nhà tôi. Tôi thường thấy Sơn ra vườn lên võng nằm đung đưa, vẻ mặt rất buồn. Mấy hôm sau Sơn qua nhà tôi chơi và hỏi mượn đĩa nhạc dân ca Lào. Tôi nói: “Thì ra cậu cũng là lính tình nguyện ở chiến trường C. Cậu ở đơn vị nào?”. Sơn kể rằng quê anh ở Thanh Hóa, nhập ngũ vào đại đội 2 tiểu đoàn 12 pháo cao xạ. Sau một năm chiến đấu trong nước, chuyển vào Nam đánh Mỹ rồi được điều động qua Lào bảo vệ tuyến đường Tây Trường Sơn.
Trong những ngày đánh máy bay Mỹ trên bầu trời Lào, đơn vị của Sơn được nhân dân Lào thương yêu, chăm sóc, nuôi nấng. Thương binh đều gửi vào các hang đá ở cùng dân. Có lúc tắc đường, gạo vào không được, nhân dân đã nhường từng gùi ngô, bụi củ mì cho đại đội của Sơn. Có khi địch đánh trúng trận địa, chạy giữa bom đạn vào trận địa cùng đồng đội Sơn chuyển thương binh, an táng liệt sĩ. Sơn cùng dân Lào đã chôn cất hàng chục chiến sĩ cạnh các trận địa pháo.
Trong số liệt sĩ có Trần Bá Dinh, là bạn cùng quê với Sơn và Đào Xuân Khang người quê Bắc Thái. Dinh và Khang là hai đồng chí giới thiệu kết nạp Sơn vào Đảng. Khi tòng quân, Sơn đã hứa với mẹ của Dinh là đánh xong giặc, hai đứa sẽ đem nhau về với mẹ. Lúc an táng Dinh, Sơn vác đá đắp mộ và đánh dấu rất kỹ để sau này đưa mẹ Dinh đi tìm đón Dinh về quê.
Vậy mà hàng chục năm trôi qua, Sơn và bà mẹ vẫn chưa được tin tức gì của Dinh. Nỗi đau của mẹ Dinh và sự day dứt làm Sơn sống chẳng yên. Anh tự hứa phải qua Lào tìm lại đồng đội, nhất là tìm hài cốt của Dinh mang về cho bà mẹ hàng chục năm đang mòn mỏi đợi chờ con nhưng tìm đâu ra tiền để đi? Chuyện kể đến đó, Sơn tỏ vẻ thất vọng, bế tắc. Tôi nói: “Đừng buồn Sơn ạ. Mình sẽ tìm cách đưa cậu qua Lào, cùng cậu đi tìm Khang và Dinh”.
Tôi kể cho Sơn nghe đã từng được cùng Tư lệnh Binh đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên đi suốt tuyến đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh, đã tận mắt thấy sự ác liệt ghê gớm. Bây giờ bộ đội Trường Sơn đã tổng kết lại cuộc chiến đấu trên tuyến đường chi viện miền Nam ấy, ta đã hy sinh 19.387 và bị thương 32.047 cán bộ, chiến sĩ. Tôi an ủi Sơn: “Trong chiến đấu không tránh khỏi mất mát, đau thương nhưng lực lượng phòng không ta dọc tuyến này đã bắn hạ 2.458 máy bay Mỹ”.
Xem ra những con số thành tích đã được sử sách công bố cũng chẳng làm Sơn nguôi ngoai nỗi nhớ đồng đội và đồng bào Lào ở chiến trường xưa. Tôi quyết định trong đầu: “Phải đưa Sơn đi tìm đồng đội thì cuộc sống của Sơn và gia đình anh mới yên ổn”.
Rồi một ngày đầu tháng bảy, tôi gọi Sơn qua nhà và nói: “Giữa tháng này mình sẽ đi Lào bằng cách hành quân theo đường bộ. Dự kiến cuộc đi này không tốn kém mấy nhưng rất gian khổ như thời chiến tranh”. Sơn tỏ ra phấn khởi.
Người Lào đầu tiên chúng tôi gặp ở huyện Xê Pôn tỉnh Xavănnãkhệt là anh Khăm Mát, đồn trưởng biên phòng cửa khẩu Palát-Karôn. Nghe tôi trình bày mục đích của chuyến đi, Khăm Mát đưa chúng tôi đi ăn trưa rồi cử đồn phó Viêng Xay lái xe đưa chúng tôi lên Xê Pôn gặp huyện trưởng Xê Pôn.
Lô Ma, bí thư huyện ủy kiêm huyện trưởng tiếp chúng tôi như người nhà. Anh nói: “Năm nào Tỉnh đội Quảng Trị cũng cho người đến tìm hài cốt liệt sĩ, đưa về hàng chục đợt rồi nhưng chưa hết. Ngày mai sẽ có người đưa các anh về thăm các trận địa pháo cũ ở Tha Mé, Kẹng Quy”.
Tha Mé có hai tuyến đường ngầm cho xe ta vượt sông Xêbăngbiêng, nơi đây trước kia địch đánh dữ dội. Nghe có lính tình nguyện cũ đến thăm, dân làng đem xoài, chuối, dừa đến đón khách.
Họ dẫn chúng tôi ra các trận địa cũ của pháo cao xạ mà họ biết là nơi an táng hàng chục liệt sĩ Việt Nam. Nhưng chẳng thấy vết tích gì nữa. Đến bản Kẹng Quy, trưởng bản nói: “Hơn ba chục năm rồi. Thằng sống về hết. Thằng chết cũng có người đến tìm đưa về. Bố mẹ Lào ở lại đây nhớ thương tụi nó lắm!”.
Rời Xê Pôn, chúng tôi đến Mường Phìn. Huyện trưởng kiêm bí thư huyện ủy là anh Khăm Ban bỏ việc hai ngày liền đưa chúng tôi đi tìm mộ liệt sĩ. Ông già Dươk nhận ra Sơn và đưa chúng tôi đến đúng trận địa của Sơn ngày trước. Sơn đã cùng anh em trong đại đội 2 chôn cất nhiều đồng đội hy sinh và chính nơi đây anh đã tự tay an táng Khang và Dinh. Nhưng bây giờ chẳng còn vết tích gì nữa.
Thấy Sơn đưa khăn lau mồ hôi lẫn nước mắt, tôi đứng bàng hoàng nhìn sự tuyệt vọng của Sơn. Bí thư Khăm Ban an ủi: “Chắc các anh ở đây cũng được đội quy tập ở Quảng Trị lên đưa về hết rồi. Có lẽ các anh nên về tìm ở nghĩa trang Trường Sơn, có thể gặp được đồng đội cũ”.
Nghe lời Khăm Ban, chúng tôi cảm ơn cán bộ và nhân dân Xê Pôn, Mường Phìn đã hết lòng thương yêu, chia sẻ và giúp đỡ chúng tôi suốt thời gian đi tìm đồng đội rồi chia tay để trở về. Chủ tịch Khăm Ban tự lái xe tiễn chúng tôi về cửa khẩu Lao Bảo.
Về đến Đông Hà, chúng tôi tìm ngay đến nghĩa trang, Sơn hoang mang đứng trước hàng chục ngàn bia mộ, cái nào cũng giống nhau giữa trời nắng như đổ lửa. Tôi nói: “Chúng ta cứ bình tĩnh mà tìm. Đi dọc, đi ngang tìm đọc hết tên 1.061 liệt sĩ ở khu mộ Thanh Hóa, thế nào cũng thấy mộ Trần Bá Dinh. Sau đó sẽ tìm Khang ở khu mộ của Bắc Thái”.
Sơn háo hức lao đi tìm, anh đọc vội, bước vội như chạy. Bỗng từ phía trước Sơn reo lên: “Đây rồi!”. Anh ngồi thụp xuống bên mộ Dinh và khóc: “Dinh ơi! Ở ngoài Thanh mẹ đang ốm nặng. Không biết tao có kịp về đón mẹ vào thăm mày không Dinh ơi!”.
Từ sau ngày tìm được mộ Dinh và đồng đội, cuộc sống của Sơn thanh thản dần. Gia đình Sơn đã ổn định, yên lành ...
TRẦN CÔNG TẤN