Ngày 12-3, chính quyền thành phố New York (Mỹ) đã chấp nhận chi trả số tiền bồi thường 657 triệu USD cho các nhân viên tham gia cứu hộ nạn nhân vụ sập Trung tâm Thương mại WTC trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Khoản tiền bồi thường trên sẽ được rút ra từ một quỹ bảo hiểm do chính phủ liên bang tài trợ. Quỹ này thuộc sở hữu của Công ty Bảo hiểm WTC Captive, được lập ra vào năm 2004 với số tiền 1 tỷ USD từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA).
Số tiền bồi thường sẽ được chia cho các nhân viên cảnh sát, cứu hỏa, dịch vụ công cộng và những công nhân tham gia vào công tác dọn dẹp hiện trường vụ nổ tại New York, bị ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe do hít phải khí bụi từ tòa tháp đôi WTC.
Theo nhận định của một số báo Mỹ, việc đạt được thỏa thuận trên được xem là một dấu chấm kết thúc vụ kiện kéo dài liên tục từ năm 2004 tới nay. Nhưng có lẽ giới truyền thông Mỹ đã bỏ qua một chi tiết, thỏa thuận này đòi hỏi phải có sự đồng ý của 95% số người bên nguyên để có thể được thực thi và không phải hầu hết 10.000 nạn nhân đều chấp nhận thỏa thuận này. Các nguyên đơn có 90 ngày để xem xét liệu có chấp nhận thỏa thuận hay không.
Trường hợp của ông Michael McCormack là một ví dụ. Ông từng là một chuyên viên cứu hộ, tham gia tích cực trong việc tìm kiếm nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9. Nhưng giờ đây, ông đang phải chống chọi với căn bệnh suy hô hấp, chứng trầm cảm- hậu quả từ công việc cứu hộ của mình, và đang sống với số tiền 1.600 USD/tháng sau khi về hưu.
Thậm chí, ông rất chật vật khi hàng tháng phải trả các hóa đơn tiền thuốc điều trị, vì không đủ tiền mua bảo hiểm y tế cho mình. Số tiền này là một khoảng cách rất lớn so với mức lương 90.000 USD mỗi tháng trước đây của McCormack.
Ông chỉ là một trong số 10.000 nạn nhân từng tham gia cứu hộ sau vụ khủng bố 11-9, đã phát đơn kiện chính quyền New York vì những vấn đề sức khỏe họ phải gánh chịu. McCormack cho rằng, khoản tiền bồi thường của chính quyền New York quá ít và quá muộn.
Theo thống kê công bố cuối năm ngoái của Mỹ, từ đó đến nay đã có khoảng 817 người chết, trong đó 1/3 chết do các chứng bệnh ung thư (dạ dày, ruột, cơ quan tiêu hóa, phổi, họng, ung thư máu) do hít phải khí bụi của WTC. Hơn 30 người tự tử do bế tắc về tình trạng sức khỏe và tài chính. Hơn 10.000 người cứu hộ khác đang gặp trục trặc về vấn đề sức khỏe. Cứ 8 người từng tham gia cứu hộ tại Trung tâm Thương mại thế giới thì có 1 người bị chấn thương tâm lý.
Nói như thế để thấy rằng, 6 năm đeo đuổi một vụ kiện và kết quả có được ngày hôm nay quả là muộn cho những người đã chết, vì không thể chờ được khoản tiền bồi thường đến tận tay mình. Nhiều người cho rằng, phán quyết không chỉ là quá muộn mà còn quá thờ ơ với số phận của họ.
Việc kéo dài tiến trình xem xét đơn của những người đã từng không ngại gian khó, hy sinh để lao vào đống đổ nát tìm kiếm những nạn nhân còn sót lại của vụ khủng bố năm đó cho thấy một thái độ vô ơn. Họ là những người mà người dân Mỹ từng xem như những người anh hùng trong những ngày khó khăn và mất mát đó.
Những trường hợp khác không phản đối bản thỏa thuận tỏ ra khá hài lòng. Ông Martin Fullam, một nhân viên cứu hỏa nghỉ hưu cho biết, có lẽ ông sẽ ký vào bản thỏa thuận vì đã chờ đợi quá lâu.
Marc Burn, luật sư bên nguyên đơn cho rằng, trong 6 năm đeo đuổi vụ kiện là 6 năm dài ròng rã, rất khó khăn. Và kết quả hôm nay cũng là một bước tiến lớn, có thể đem lại công bằng cho hơn 10.000 nạn nhân đòi bồi thường, cho dù có một số người cho là quá muộn.
Phương Nam