Quá sức chịu đựng

Ngày 25-9, bài phát biểu của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari trước Đại hội đồng LHQ lần thứ 67 khiến Mỹ và nhiều nước sượng mặt. Ông Zardari thẳng thừng chỉ trích những ai cho rằng Pakistan chưa nỗ lực hết sức cho cuộc chiến chống khủng bố. Bên cạnh đó ông cáo buộc Mỹ và đồng minh vì lợi ích của mình đã làm tổn hại đến đất nước Pakistan như thế nào, kể cả làm xói mòn nền dân chủ ở Pakistan.

Ông Zardari nói: “Không có dân tộc nào chịu đựng nhiều như chúng tôi trong cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng như thế. Vì thế, đừng xúc phạm đến những người nằm xuống và nỗi đau của người đang sống”. Thật vậy, Pakistan đã trả giá quá đắt với sinh mạng của 7.000 binh lính và cảnh sát, trên 37.000 dân thường (phần lớn do Mỹ và quân đồng minh gây ra) kể từ khi bắt tay cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố năm 2001. Riêng bản thân ông Zardar cũng là người trực tiếp chịu mất mát tinh thần to lớn khi người vợ của ông, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, bị nhóm khủng bố ám sát tháng 12-2007.

Pakistan trở thành đồng minh Mỹ dưới thời Tổng thống Pervez Musharraf khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố. Lúc đó, Mỹ cần một đối tác chiến lược để giúp họ đặt căn cứ quân sự, vận chuyển tiếp vận cho quân Mỹ ở Afghanistan, làm bàn đạp tấn công vào các thành lũy của lực lượng khủng bố. Ông Musharraf sẵn sàng tuyên bố đoạn tuyệt với Taliban, lực lượng mà Pakistan hậu thuẫn nhiều năm qua ở Afghanistan để trở thành đồng minh của Mỹ. Thời gian đó, Mỹ đã “trải thảm đỏ” để củng cố cho chế độ độc tài ở Pakistan. Mỹ một mặt ngấm ngầm ủng hộ sự đàn áp người dân của chính quyền ông Musharraf nhưng khi thấy nguy cơ ông Musharraf có thể bị người dân lật đổ, Mỹ đã vội vã quay lưng với người từng chung vai sát cánh. Vì thế, ông Zardari gay gắt khi nói rằng, sự tụt hậu của Pakistan hiện nay, nền dân chủ bị xói mòn bắt nguồn từ hàng thập kỷ chế độ độc tài quân sự được phương Tây hậu thuẫn.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân Pakistan không phải là khủng bố mà là những trận mưa bom tấn công từ máy bay không người lái của Mỹ trên bầu trời Pakistan. Trong khi đó, Pakistan còn loay hoay đối phó 1 triệu người tỵ nạn bất hợp phát từ Afghanistan ùa vào khi Taliban còn nắm quyền ở Afghanistan. Cuộc chiến chống Taliban của quân đội Pakistan tại vùng Tây Bắc nước này cũng đã gây ra làn sóng người di cư lớn ồ ạt khỏi khu vực, khiến hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn.

Thời gian gần đây, áp lực dành cho Pakistan càng lớn khi Mỹ liên tiếp có những động thái phủ nhận nỗ lực của Pakistan. Trước tiên là qua mặt quân đội Pakistan khi đơn phương thực hiện vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ngay trên sân nhà Pakistan. Kế đến là cáo buộc Cơ quan tình báo liên quân (ISI) của Pakistan ủng hộ và viện trợ cho mạng lưới khủng bố trong khi Pakistan một mực phủ nhận. CIA từng thừa nhận 80% các thông tin tình báo đáng tin cậy về khủng bố hoạt động ở Pakistan là do ISI cung cấp. Vì thế, nói rằng ISI không hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động là không đúng.

Tổng thống Zardari nhấn mạnh: “Đừng đặt ra những câu hỏi và yêu cầu cho chúng tôi nếu bạn không hiểu những gì mà chúng tôi đang gánh chịu”. Vì Pakistan cũng là nạn nhân của nạn khủng bố nên hơn ai hết, người dân nước này mong muốn đẩy lùi khủng bố như thế nào. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục