Hơn 40 thành viên trong một dòng tộc ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đăng ký hiến xác cho y học. Nghĩa cử cao đẹp này được khởi đầu từ việc cụ Dương Tự Tín (SN 1926) tự giác đến chính quyền địa phương xác nhận tình trạng “còn minh mẫn” để làm cam kết hiến xác phục vụ nghiên cứu khoa học vào năm 2005!
Nghĩa cử cao đẹp
Căn nhà gỗ đơn sơ, mộc mạc giữa vườn cây trái, cạnh con đê vững chãi. Những người con cháu của cụ Tín đang tất bật tôn cao nền phục dựng lại nét nguyên bản của ngôi nhà như lúc sinh thời vợ chồng cụ từng sống ở đây. Hành động đáng quý của cụ Tín đang được đông đảo thành viên trong gia đình, con cháu… đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ.
Những người trong nhà đón tiếp khách lạ rất niềm nở. Nhưng khi biết chúng tôi là phóng viên muốn tìm hiểu về việc làm đáng quý của cụ Tín cũng như những người thân trong gia đình thì mọi người đều từ chối.
Với thái độ rất từ tốn, chị Dương Thị Gián (con gái lớn thứ 2 của cụ Tín) nói rằng việc cha mình cùng các thành viên trong gia đình đăng ký hiến xác là muốn góp phần nhỏ giúp đời, giúp xã hội. Sau một hồi nghe chúng tôi tâm sự việc hiến xác cho y học cũng như việc làm của cụ Tín là một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng trân trọng giữa đời thường cần để mọi người hưởng ứng. Lúc này, chị Gián đồng ý cho chúng tôi vào nhà, thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với người quá cố.
Trong căn nhà gỗ kiểu Nam bộ, vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật của vợ chồng cụ Tín. Chiếc võng, chiếc giường, giàn máy vi tính… mà cụ Tín sử dụng khi còn sống vẫn còn nguyên. Đến bên giàn máy vi tính, chị Gián nói: “Nhờ giàn máy này mà khi còn sống, ngày nào ba tôi cũng lên mạng đọc báo, xem tin tức. Có lẽ các thông tin trên báo và internet làm cho cha tôi thấy rõ việc hiến xác là cần thiết cho xã hội. Từ đó, khi những lần cả gia đình sum họp, trò chuyện, cha tôi bày tỏ ý nguyện muốn hiến xác cho Trường ĐH Y Dược TPHCM nghiên cứu khoa học, phục vụ cho xã hội sau khi qua đời”.
Anh Dương Văn Tài, con trai thứ 4 của cụ Tín, cũng là người tìm mẫu đơn đăng ký hiến xác cho cụ Tín, bộc bạch: “Lần đầu tiên nghe cha tôi nói điều này, con cháu ai cũng muốn bật ngửa vì bất ngờ. Thâm tâm chúng tôi lúc đó không muốn. Theo tập quán xưa nay, người chết cần có được mồ yên mả đẹp để con cháu thăm viếng… Tuy nhiên, sau nhiều lần nghe cha thuyết phục, các chị em chúng tôi đều đồng ý vì ý nghĩa nhân văn của việc hiến xác”.
Ông Lê Sanh Hoàng, Chánh văn phòng UBND xã Hòa An nhớ lại: “Năm 2005, tôi là người trực tiếp nhận đơn từ tay cụ Tín xin xác nhận “còn minh mẫn” để hiến xác. Thật sự, trước việc làm xưa nay hiếm, tôi rất lúng túng, bỡ ngỡ nhưng rất đáng quý, trân trọng nghĩa cử cao đẹp của cụ. Gia đình cụ Tín có truyền thống cách mạng, nuôi giấu cán bộ ở địa phương và nhận được nhiều huân chương khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước”.
Lan tỏa giữa đời thường
Trong một cơn bạo bệnh, cụ Dương Tự Tín qua đời vào năm 2007. Anh Dương Văn Tài tâm sự: “Khi lâm bị bệnh nặng, biết chắc mình khó qua khỏi, cha nhắc chúng tôi phải báo cho Trường Đại học Y Dược TPHCM sắp xếp đến nhận xác”.
Đám tang của cụ Tín diễn ra thật giản dị. Thi hài người quá cố được quàn một tấm khăn trắng, không qua tẩn liệm, đặt phía sau bàn vong nghi ngút khói hương. Bà con dòng họ, bạn bè thân hữu… đến viếng, đốt nén hương cho cụ rồi đứng thành 2 hàng 2 bên. Chiếc xe của cơ sở mai táng đỗ xịch trước nhà. Những người trên xe mặc áo blouse trắng của Trường ĐH Y Dược TPHCM bước xuống. Đến trước bàn vong, cả nhóm đốt nén nhang khấn vái tỏ lòng thành kính với người quá cố rồi đến bên thi thể cụ làm các thủ tục cần thiết, đưa vào túi ni lông có dây kéo khóa lại. Sau đó, 4 người nâng xác lên cao đưa vào chiếc hòm sắt để gần đó và đậy nắp lại. Phủ lên trên chiếc hòm sắt tấm vải đỏ với dòng chữ: “Đại học Y Dược TPHCM, quà tặng cho sự sống”.
Sau khi tiễn đưa cụ Tín đến Trường ĐH Y Dược TPHCM, được tận mắt chứng việc tiếp nhận, bảo quản thi hài cụ, khi ra về người thân đều bịn rịn. Cảm giác “luyến lưu” còn chưa dứt thì điều bất ngờ lại đến: Cụ Phan Thị Mận (vợ cụ Tín) nói với các con rằng mình cũng sẽ hiến xác cho khoa học như chồng mình. Cuối tháng 3-2012, cụ Phan Thị Mận qua đời ở tuổi 86. Thi hài của cụ Mận cũng được chuyển cho trường ĐH Y Dược TPHCM để giúp ích cho những công trình nghiên cứu.
Các người con của cụ Tín, cụ Mận lần lượt tình nguyện đăng ký hiến xác và vận động người thân trong dòng họ tham gia việc làm nhiều ý nghĩa này. Đến nay đã có trên 40 thành viên gia đình đăng ký. Đặc biệt, ngay sau đám tang cụ Mận, có thêm 3 trường hợp ở địa phương và một cô giáo ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) liên hệ với anh Tài xin mẫu đơn đăng ký hiến xác.
BÌNH ĐẠI - VÕ VĂN