Những ngày giáp tết, từng đoàn xe từ thiện từ TPHCM lại ngược xuôi trên khắp mọi miền đất nước. Vài ký gạo thơm, thùng mì gói, chai nước tương, bộ quần áo cũ… những món quà xuân tuy nhỏ nhưng chở nặng nghĩa tình, ấm áp sự sẻ chia.
Những mảnh đời bất hạnh
Nhìn khuôn mặt khắc khổ, mái tóc “muối nhiều hơn tiêu”, đôi mắt một bên mờ, một bên còn thấy được của bà Nguyễn Hai, nhà ở gần chợ Cây Quéo (phường 6, quận Bình Thạnh), không ai biết năm nay bà mới hơn 40 tuổi. Bà Hai có hai con nhưng hiện vẫn phải sống một mình trong căn nhà tạm bợ, cho biết: “Con cái đều nghèo nên mỗi ngày tôi phải lang thang ăn xin ở chợ Cây Quéo, thỉnh thoảng lượm bọc ni lông kiếm thêm chút tiền mua gạo. Dạo này tay chân cứ đau nhức liên miên, đầu thì đau như búa bổ nhưng không có thẻ bảo hiểm y tế, tôi chẳng biết lấy đâu ra tiền đi khám bác sĩ. Tiền ăn, tiền thuốc còn không có, nói gì đến tết…”. Ngay cả chiếc áo bà đang mặc cũng do một người đi chợ thương tình đem cho.
May mắn hơn bà Hai, bà Lâm Thị Gái, 62 tuổi, nhà ở phường 13, quận Bình Thạnh, hớn hở khoe: “Tôi không chồng, không con, sống neo đơn một mình nên mấy chú trên phường thương, cấp cho thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ có thẻ nên thân già bệnh tật không phải lo”. Song khi được hỏi, bà Gái chùng giọng: “Thấy tôi tuổi già sức yếu, hoàn cảnh lại khó khăn nên chòm xóm thỉnh thoảng thuê đến quét dọn nhà cửa. Tiền công mỗi ngày được 20.000 đồng, nhưng bữa có bữa không. Do đó, mỗi bữa tôi chỉ dám mua chút gạo với rau về nấu canh, ăn tạm qua ngày”.
Bà Đặng Thị Thái, nhà ở đường Vũ Tùng (phường 2, quận Bình Thạnh) kể về hoàn cảnh của mình: “Tôi có đến 8 người con nhưng chúng nó cứ nặng nhẹ chuyện đất đai, nhà cửa nên tôi ngăn nhà ra làm nhiều phần, sống một mình cho thanh thản tấm thân. Tiền bạc không có nên mỗi ngày tôi nhận lột hành, tiền công 3.000 đồng/kg, ngồi lột suốt cả ngày được khoảng 7 - 10kg, được 20.000 - 30.000 đồng, đủ để mua gạo và chút thức ăn cho qua bữa”.
Nhìn đôi bàn tay nhăn nheo, nứt nẻ của bà, ai cũng thương xót. Nhưng người phụ nữ hơn 80 tuổi này chỉ cười hiền, giọng nửa đùa nửa thật: “Già rồi, có việc làm, kiếm ra tiền nuôi sống bản thân là may. Nhiều người khuyên tôi không nên tiếp tục lột hành nữa vì tay đã bị nước ăn gần hết, mắt cũng mờ do hàng ngày hành cay xé mắt. Nhưng không làm sẽ đói, tôi vẫn phải “thủy chung” với mấy củ hành thôi”.
Khi được hỏi mơ ước lớn nhất trong mấy ngày tết, các bà đều nói chỉ mong có chút tiền mua gạo, mắm, muối và vài món thực phẩm khô, nếu còn dư thì để dành phòng khi bệnh hoạn. Bởi lẽ “chạy ăn từng ngày còn không có, tôi đâu dám mơ đến củ kiệu, bánh tét hay bánh chưng ngày tết”, bà Lâm Thị Gái ngậm ngùi nói.
Chung tay góp sức
Ông Trương Minh Hùng, Phó Trưởng ban Công tác xã hội, Hội Chữ thập đỏ TPHCM, phấn khởi cho biết: “Chương trình chăm lo tết cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam do hội tổ chức đến nay đã vận động được hơn 15.000 phần quà tết, trị giá 200.000 đồng/phần. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân vẫn chung tay gây quỹ chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng các hoạt động từ thiện của hội”.
Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh, cũng bày tỏ: “Các tổ chức đoàn, hội vẫn cố gắng tổ chức thường xuyên những hoạt động chăm lo cho người nghèo”. Những phần quà tết tuy không mang nặng ý nghĩa vật chất nhưng là sự chia sẻ rất lớn về mặt tinh thần, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đón một mùa xuân ấm áp.
Chỉ tính riêng từ ngày 20-1 đến 5-2-2010, chương trình “Cây mùa xuân” do Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM tổ chức đã có hơn 10 đoàn trao tặng quà tết cho người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… với tổng số tiền lên đến hơn 181 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ TPHCM thực hiện cũng vận động được hơn 9,2 tỷ đồng. Đó là những thành tích rất đáng khích lệ, thể hiện sự đồng lòng và chung tay, góp sức của người dân TP trong việc giúp người nghèo đón một cái tết an lành, hạnh phúc.
Thu Tâm