Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và nâng cao nhận thức trong cộng đồng người dân, thời gian qua UBND TPHCM đã tích cực triển khai Luật ATTP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP, tăng cường công tác kiểm tra giám sát và quản lý chất lượng ATTP với nhiều giải pháp và sự phối hợp đồng bộ từ sở, ngành chức năng đến quận, huyện.
8 ngành nghề được phân cấp quản lý
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, ATTP là một trong những mối quan tâm hàng ngày của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Công tác quản lý ATTP trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách, phải tiến hành thường xuyên và lâu dài. Sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm và sử dụng thực phẩm an toàn đó là sự thể hiện chất lượng cuộc sống và văn minh xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm được phân công về lĩnh vực ATTP quy định tại Luật ATTP, các nghị định và thông tư, Bộ Công thương đã phân cấp cho Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý 8 ngành nghề cụ thể, gồm: rượu - bia; nước giải khát; sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm… Hiện công tác cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm cũng đang được triển khai trên địa bàn TP.
Để thực hiện quản lý nhà nước đối với các ngành nghề nêu trên, sở đã ban hành văn bản số 8783/SCT-QLTM ngày 14-11-2012 hướng dẫn quy trình thẩm định cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; văn bản số 957 hướng dẫn quy trình thẩm định hồ sơ đề nghị giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm trên địa bàn TP nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, sau khi được cấp, do trình độ nhận thức kém về chuyên môn và các quy định pháp luật, một số đơn vị chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng; sản xuất và kinh doanh sản phẩm không đảm bảo các điều kiện quy định về ATTP, đặc biệt là điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất, sử dụng các nguyên phụ liệu, phụ gia giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất sản phẩm không đủ điều kiện, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thường xuyên lấy mẫu, kiên quyết xử lý vi phạm
Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước, định hướng nhận thức đối với người sản xuất, đạo đức trong kinh doanh, bà Lê Ngọc Đào cho biết, Sở Công thương sẽ phối hợp Chi cục ATVSTP, UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền vận động và triển khai quy trình kiểm tra lấy mẫu tầm soát, đồng thời vận động các đơn vị sản xuất có bản cam kết với cơ quan quản lý nhà nước không sử dụng hóa chất, không sử dụng chất phụ gia dùng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Công tác hậu kiểm sẽ được tăng cường, bằng cách Sở Công thương tiếp tục phối hợp sở, ngành thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường) thanh kiểm tra về công tác đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh ngành hàng bún tươi và các loại bánh tươi khác, lấy mẫu ngẫu nhiên đưa đi phân tích, kiểm nghiệm; trên cơ sở danh sách các đơn vị sản xuất, kinh doanh tại địa bàn do UBND quận - huyện rà soát, cung cấp, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý kịp thời các đơn vị có hành vi vi phạm về lĩnh vực ATTP.
Sở Công thương phối hợp Chi cục ATVSTP triển khai đồng loạt đối với các đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP, ký bản cam kết với các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định về kiểm soát chất lượng hàng hóa vào hệ thống phân phối đến khâu tiêu thụ hàng hóa, định kỳ thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, test nhanh mẫu sản phẩm và chịu trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, các sở ngành sẽ phối hợp hệ thống chính trị như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn TP, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp về công tác tuyên truyền Luật ATTP, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng đạo đức chuẩn mực trong kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai Luật ATTP đạt hiệu quả, nếu chỉ có sự nỗ lực kiểm tra của cơ quan chức năng và trông chờ sự tự nguyện từ phía các DN sản xuất thì chưa đủ, mà cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Nói cách khác, công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP là nhiệm vụ của cả xã hội, do đó, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, nghề nghiệp để tăng cường công tác cảnh báo, phát hiện, góp ý. Trong trường hợp phát hiện các cơ sở vi phạm thì việc xử lý phải thật kiên quyết, đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
| |
THÚY HẢI