Chưa đầy 5 ngày sau cái chết thương tâm của em Quách Gia Phú, học sinh lớp 6/3 Trường THCS Trần Quang Khải (quận Tân Phú, TPHCM) do bị đuối nước ngay trong giờ học đầu tiên trường tổ chức bơi lội, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác tổ chức dạy và học môn bơi lội tại các trường học trên địa bàn TP. Không thể phủ nhận tính gấp rút và kịp thời của văn bản, tuy nhiên nội dung văn bản vẫn chưa khiến dư luận an lòng. Vì sao?
Mỗi thầy quản một học sinh: Không tưởng!
Theo văn bản quy định, các trường được yêu cầu trang bị toàn bộ áo phao, phao bơi (không dùng loại phao bơm hơi) cho tất cả học sinh mới học bơi lần đầu, hoặc học sinh chưa bơi thuần thục. Khi các em tiếp nước, phải tập trung ở những giới hạn độ sâu phù hợp và mỗi học sinh buộc phải có một giáo viên hướng dẫn trực tiếp, tránh tình trạng giáo viên chỉ hướng dẫn kỹ thuật sau đó cho hàng loạt học sinh tiếp nước nhưng không kiểm soát hết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn - một trong những trường học hiếm hoi của TP có hồ bơi ngay trong khuôn viên trường, cho biết: “Nhiều năm qua, trong công tác tổ chức dạy và học môn bơi lội, nhà trường đã trang bị đầy đủ phao bơi cho học sinh. Nhưng riêng với quy định một giáo viên kèm một học sinh là điều gần như không tưởng”. Ông Hưng giải thích, lớp học hiện nay sĩ số bình quân từ 40 - 50 học sinh/lớp, nếu gộp chung hai lớp cùng học bơi trong một tiết (như cách làm hiện nay của Trường THCS Trần Văn Ơn - PV) sẽ có khoảng 100 học sinh theo học. Trong khi lực lượng giáo viên tại hồ chỉ có 4 đến 5 người, căn cứ theo quy định một giáo viên kèm một học sinh thì mỗi đợt xuống nước chỉ tối đa được 5 em, giáo viên xoay vòng cả buổi cũng khó đảm trách hết 95 học sinh còn lại. Trong điều kiện thời gian tiết học không cho phép, phải phân nhóm từ 15 - 20 em xuống nước một lần, không lẽ trường phải tuyển đến 20 giáo viên?
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), nhấn mạnh: “Số lượng giáo viên nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề là công tác tổ chức phối hợp và ý thức, tinh thần làm việc của giáo viên. Nếu số lượng giáo viên ít nhưng ai cũng tập trung cao độ, có khả năng quan sát toàn bộ học sinh vẫn tốt hơn nhiều so với trường hợp có đông giáo viên nhưng ai làm việc nấy, thiếu sự hỗ trợ và bao quát học sinh”. Cũng theo ông Nam, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trách nhiệm không chỉ thuộc về giáo viên dạy bơi tại hồ mà cần có sự phân công trách nhiệm giáo viên thể dục, giáo viên chủ nhiệm để công tác quản lý học sinh không bị bỏ sót.
Đứng ở góc độ phụ huynh, anh Võ Văn Hùng, có con đang học ở Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Bình Thạnh) cho biết, ngay cả khi cho con học bơi ở các trung tâm bơi lội “tính tiền theo giờ”, phụ huynh cũng khó yêu cầu một giáo viên kèm một học sinh (trừ khi có lý do thật đặc biệt). “Nếu mỗi trò chỉ chăm chăm nhìn động tác hướng dẫn của một thầy sẽ không có động lực thi thố để nâng cao thành tích. Ngược lại các thầy cũng vì thế không có điều kiện đánh giá đúng năng lực từng em, điều mà chỉ qua các hoạt động rèn luyện nhóm mới phát huy được”, anh Hùng bày tỏ.
Đề cao tinh thần trách nhiệm
Văn bản quy định lần này cũng nêu rõ: “Hiệu trưởng các đơn vị phải là trưởng ban tổ chức, là người chịu trách nhiệm chính tất cả các vấn đề liên quan đến các hoạt động dạy và học bộ môn bơi lội dành cho học sinh trong và ngoài nhà trường, có các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, như phân công trách nhiệm cụ thể của từng người tại hồ bơi”. Hiệu trưởng một trường THCS (đề nghị không nêu tên) ở quận Gò Vấp cho biết, khi đặt bút ký hợp đồng với một trung tâm bơi lội, nhà trường luôn đặt yếu tố an toàn và trách nhiệm lên hàng đầu. Vào mỗi đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên thể dục sẽ được sinh hoạt thêm về vấn đề phân công trách nhiệm quản lý và giám sát học sinh. “Tâm lý thông thường, giáo viên thể dục sau khi bàn giao lớp cho giáo viên tại hồ bơi sẽ lơ là trách nhiệm, cho rằng việc đảm bảo an toàn cho học sinh thuộc về hồ bơi và công ty đối tác. Tuy nhiên, tôi luôn nhắc nhở giáo viên của mình phải túc trực tại hồ bơi trong suốt thời gian diễn ra tiết học, sẵn sàng phối hợp với nhân viên tại hồ trong việc quản lý và giám sát học sinh”, vị này bày tỏ.
Thêm vào đó, để tăng độ an toàn cho học sinh khi tham gia học bơi tại hồ, nhiều năm qua Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đã áp dụng hình thức xử phạt học sinh vi phạm quy định hồ bơi giống như vi phạm nội quy của nhà trường. Ông Trương Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trước khi cho học sinh xuống hồ bơi, giáo viên phải phổ biến nội quy rõ ràng, yêu cầu các em khởi động kỹ và nâng cao ý thức tự giác khi xuống hồ. “Đặc biệt đối với những học sinh đã biết bơi hoặc bơi giỏi càng có xu hướng muốn thể hiện mình nên giáo viên không thể lơ là”, ông Hưng cho biết.
Tuy nhiên theo kiến nghị của nhiều đơn vị, để thực hiện chủ trương phổ cập bơi lội của TP trong tình hình hầu hết các trường đều chưa có hồ bơi riêng, phải thuê lại hồ bơi của trường khác hoặc hợp đồng với các hồ bơi tư nhân, giáo viên dù tập trung hết mọi khả năng cũng chỉ đảm bảo được 50% yếu tố an toàn cho học sinh. Trách nhiệm còn lại thuộc về lực lượng tại hồ. Do đó, để không đẩy hết cái “khó” cho ngành giáo dục, TP cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và quản lý chặt chẽ chất lượng hoạt động của các hồ bơi, tiến đến việc quy định mỗi trung tâm bơi lội chịu trách nhiệm phổ cập bơi lội cho học sinh trên cùng địa bàn.
THU TÂM