Quản lý đô thị thông minh là quản lý có dự báo

(SGGP).- Sau khi khảo sát tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ về triển khai xây dựng đô thị thông minh, ngày 6-11, đoàn công tác Trung ương do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn đầu tiếp tục khảo sát tại Hải Phòng.

Cả nước có 10 tỉnh, thành bước đầu bắt tay xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh, coi phương thức phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong giai đoạn 10 năm tới. Trong đó, Hải Phòng cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải trở thành thành phố thông minh. Hiện Hải Phòng đã công bố quy hoạch xây dựng Cát Hải thành đảo thông minh, tiếp đó sẽ xây dựng Cát Bà thành đô thị thông minh. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc quản lý đô thị lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo. Dự báo để thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất. Muốn thực hiện được đô thị thông minh phải có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn. Có 4 giải pháp nền tảng của đô thị thông minh được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khuyến nghị các thành phố xây dựng đô thị thông minh, trong đó hàng đầu là chính quyền muốn hoạch định tương lai thì phải dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững, phải có sự mô phỏng, quy hoạch động và được cập nhật thường xuyên. Tiếp đến,  chính quyền hỗ trợ tối ưu 4 chủ thể là công dân, doanh nghiệp, quản lý nhà nước và tổ chức xã hội, để từ đó đưa ra hiệu quả sử dụng các nguồn lực ngày càng cao. Đặc biệt, phải coi không gian mạng như một không gian sống bắt buộc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị, xã hội trong giao dịch cá nhân, giao dịch kinh doanh, giao dịch với chính quyền.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự Đại hội lần thứ 4 Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN). Theo Phó Thủ tướng,  các đô thị Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị, xu hướng phát triển thiếu cân bằng, chênh lệch giữa các vùng miền. Chính tình trạng này đã tạo ra các dòng dịch chuyển dân cư, từ đó gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, các dịch vụ thiết yếu như nhà ở, y tế, giao thông, giáo dục, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, ngập úng. Các đô thị Việt Nam cũng chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tổng thể, phân bố hài hòa các đô thị trên cả nước, để các đô thị có sức hấp dẫn, tránh tình trạng tập trung quá đông dân số tại một vài đô thị. Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục