Ngày 29-3-2016, Sở Xây dựng TPHCM công bố danh sách 22 dự án với 10.699 sản phẩm, chủ yếu là căn hộ (từ 1-7-2015 đến 28-3-2016), “đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”.
Vậy nhưng, theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, cùng thời gian trên, chỉ tính riêng thị trường căn hộ, từ quý 3-2015 đến hết quý 1-2016 có tới 28.950 căn hộ từ 47 dự án mở bán; gấp 3 lần so với con số đủ điều kiện để bán của Sở Xây dựng. Sự chênh lệch này có nên hiểu theo nghĩa: Những dự án đang mở bán và không có tên trong danh sách là “bán lụi”?
Một chung cư tại quận 8, TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm
Ngay cả có dự án được xác nhận “đủ điều kiện được bán” thì cũng nêu “hàng hai”, như trường hợp dự án Khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ tại phường Thảo Điền (quận 2) do Công ty cổ phần Bất động sản (BĐS) Sơn Kim làm chủ đầu tư. Theo đó, đầu tháng 2, Sở Xây dựng có văn bản khẳng định 233 căn hộ khối A thuộc dự án này đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, theo Điều 55 của Luật Kinh doanh BĐS. Hơn một tháng sau, cũng văn bản tương tự do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh ký cho biết 206 căn hộ khối nhà B đủ điều kiện được bán. Điều đáng nói, cả hai văn bản lại thòng một câu: “Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh… theo Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS”. Điều này dẫn tới sự khó hiểu: Vậy dự án này có đủ điều kiện mở bán hay không?
Trở lại quy định của Luật Kinh doanh BĐS, việc “kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai” quy định rất chặt chẽ tại Điều 55 và 56. Điều 55 quy định “Điều kiện của BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh” có khá nhiều giấy tờ, đặc biệt là phải có “giấy tờ về quyền sử dụng đất”, đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, nhà chung cư thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng. Việc mở bán nhà ở còn quy định tiếp tại Điều 56: “Chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh”. Nôm na, trước khi mở bán nhà chung cư phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định, tất nhiên trong đó có “hợp đồng bảo lãnh” của ngân hàng.
Thế nhưng, tại sao Sở Xây dựng ra văn bản vừa khẳng định dự án của Công ty cổ phần BĐS Sơn Kim đủ điều kiện được bán, nhưng lại thòng một câu “phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh”(?!). Là cơ quan quản lý nhà nước, tại sao không nói thẳng, “đủ điều kiện” hoặc “không đủ điều kiện” mà nói hàng hai như vậy? Chưa hết, tại thời điểm Công ty cổ phần BĐS Sơn Kim công bố 2 văn bản trên của Sở Xây dựng, thì chủ đầu tư chỉ mới có văn bản tạm đóng tiền sử dụng đất. Nghĩa là chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, khu đất sẽ không được cấp giấy chủ quyền. Nói cách khác, theo Điều 55 của Luật Kinh doanh BĐS, chưa có sổ đỏ là chưa đủ điều kiện mở bán dự án.
Việc công bố danh sách đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng là đáng hoan nghênh, thực hiện theo Luật Kinh doanh BĐS 2014, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Đạo luật này ra đời nhằm hạn chế tối đa việc bán nhà trên giấy, dẫn tới nhiều dự án không giao nhà, khiếu kiện lê thê, đã và đang xảy ra tranh chấp tại TPHCM. Tuy nhiên, với cách làm “nửa chừng xuân” như vậy dễ dẫn đến suy diễn, ngộ nhận. Vì sao hằng hà sa số dự án đang mở bán, thị trường chạy rần rần nhưng Sở Xây dựng chỉ công bố ngần ấy “dự án đủ điều kiện mở bán”; vậy những dự án khác đang mở bán thì sao, có vi phạm gì không. Điều này lại không thấy nói tới. Thị trường BĐS rất nhạy cảm, việc cung cấp thông tin sai lệch sẽ dẫn đến hoạch định chính sách thiếu thực tế. Mà hậu quả, mỗi lần đóng băng là gây tê liệt nền kinh tế! n
LIÊN THƯỢNG