Quản lý sở hữu công nghiệp tại TPHCM - Vẫn việc thừa, việc thiếu

Quản lý sở hữu công nghiệp tại TPHCM - Vẫn việc thừa, việc thiếu

Hoạt động sở hữu công nghiệp (SHCN) hiện nay trên địa bàn TPHCM tuy đã được cải thiện dần qua hàng năm, nhưng với nhiều đầu mối khác nhau cùng xử lý một việc, có thể nói công tác quản lý nhà nước về SHCN, từ hỗ trợ đến thanh tra, xử phạt vẫn còn chồng chéo, vẫn việc thừa, việc thiếu.

Hỗ trợ... giẫm chân
 

Quản lý sở hữu công nghiệp tại TPHCM - Vẫn việc thừa, việc thiếu ảnh 1

Hãng Canon giới thiệu cho người tiêu dùng cách nhận biết sản phẩm mực in thật, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sở hữu trí tuệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo thống kê của Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM, trong các năm 2006 và 2007, đã tổ chức được gần 40 hội thảo, tập huấn, báo cáo chuyên đề trong nước. Ngoài hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, còn có nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng tham gia tuyên truyền, phổ biến các vấn đề về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng hướng đến các đối tượng quản lý tương ứng.

TPHCM cũng hỗ trợ nhiều địa phương đứng ra tổ chức những hoạt động này ở nhiều góc độ khác nhau. Đối tượng để đào tạo, phổ biến cũng phong phú. TPHCM không chỉ chú ý đến các doanh nghiệp sản xuất mà còn lưu tâm đến giới thương gia, cán bộ nghiên cứu khoa học, sinh viên, đội ngũ luật sư và luật gia, cán bộ thực thi trong các cơ quan Nhà nước.

Về công tác hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập và bảo vệ quyền SHCN, trong các năm qua, Sở KH-CN hỗ trợ chuyên môn khoảng gần 1.000 lượt người/năm. Có thể nói, TPHCM tập trung rất nhiều các đại diện SHCN nên công tác tư vấn xác lập quyền rất phong phú.

Riêng tại Sở KH-CN, mảng tư vấn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền do Phòng SHTT đảm trách cũng hoạt động rất mạnh. Ngoài việc tư vấn thủ tục xác lập quyền, Phòng SHTT còn thực hiện việc tra cứu thông tin miễn phí cho các doanh nghiệp; hỗ trợ đánh giá khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp trong việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.

Trong các năm qua, nhiều chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cũng cần những tư vấn, hỗ trợ về nhãn hiệu. Trung bình mỗi năm Sở KH-CN hướng dẫn, cung cấp ý kiến chuyên môn hơn 100 lượt.

Quản lý, xử phạt: liên thông chưa tốt!

Thực tế trước đây, vấn đề SHTT bị vi phạm khá nhiều tại Việt Nam, thì hiện nay, nhiều vi phạm đã giảm xuống ở mức có thể nhìn thấy được. Cụ thể nhất là các vi phạm trong lĩnh vực phần mềm, vi phạm trong xe gắn máy…

Điều đó một phần lớn là do việc xử phạt các năm qua luôn được thực hiện ngày càng nghiêm khắc hơn, số tiền phạt năm sau thường cao hơn năm trước, khung hình phạt trong luật cũng cao hơn mức phạt được quy định theo Nghị định 12/1999/NĐ-CP trước đây.

“Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM nhận định: Hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật SHCN trên địa bàn thành phố, có nhiều tổ chức cùng thực hiện nhiệm vụ này (Cục SHTT, Sở KH-CN, các tổ chức khác), nhưng do thiếu sự phối kết hoặc trao đổi thông tin với nhau; dẫn đến tình trạng có đối tượng được đào tạo quá nhiều, có đối tượng lại không được đào tạo”.

Theo đánh giá của Phòng Sở hữu Trí tuệ, Sở KH-CN TPHCM, những năm gần đây các vụ vi phạm bị xử lý tập trung nhiều vào hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, còn những vụ xâm phạm quyền bị xử lý ít hơn so với trước. Nguyên nhân là do các chủ thể quyền làm thông báo trước cho bên bị coi là vi phạm nên có nhiều vụ các bên tự thỏa thuận xử lý.

Mặt khác, do trước đây hành vi xâm phạm quyền có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay nên số vụ xử lý xâm phạm quyền nhiều hơn, trong khi hiện nay thì phải có yêu cầu của chủ thể quyền nên các cơ quan thực thi không còn chủ động xử lý đối với những tình huống này nữa.

Một lý do khác trong việc quản lý xử phạt được thực hiện ngày một tốt hơn là, do chúng ta đã gia nhập WTO và tham gia các công ước về bảo vệ bản quyền. Ngoài ra, việc hội nhập kinh tế cũng khiến các doanh nghiệp ngày càng ý thức hơn về giá trị của các tài sản trí tuệ, khiến cho các vi phạm trong SHTT nói chung và SHCN nói riêng, các doanh nghiệp đều có phản ứng nhanh và mạnh.

Tuy nhiên, một tồn tại khá lớn hiện nay trong cả vấn đề hỗ trợ và xử phạt vi phạm trong SHCN là mặc dù có nhiều đơn vị liên quan đến vấn đề này, nhưng sự liên thông của các cơ quan quản lý nhà nước lại chưa tốt. Trong khi đó, việc xử phạt về vi phạm sở hữu trí tuệ, thông thường sẽ liên quan đến nhiều đơn vị một lúc: quản lý thị trường, hải quan, Sở KH-CN, Sở Văn hóa - Thông tin…


HỒ XUNG

Tin cùng chuyên mục