Quản lý thuê bao di động trả trước - Vẫn loay hoay

Thông tư 04 của Bộ TT-TT về quản lý thuê bao trả trước đã có hiệu lực gần 3 tháng. Nhiều người đã hy vọng sẽ hạn chế được tối đa tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo và thuê bao ảo nhiều năm qua. Nhưng thực tế tình trạng nói trên vẫn không hề giảm bớt.

Thông tư 04 của Bộ TT-TT về quản lý thuê bao trả trước đã có hiệu lực gần 3 tháng. Nhiều người đã hy vọng sẽ hạn chế được tối đa tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo và thuê bao ảo nhiều năm qua. Nhưng thực tế tình trạng nói trên vẫn không hề giảm bớt.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, trung bình mỗi năm các nhà mạng phát triển được khoảng 10 triệu thuê bao mới, nhưng 80% trong số đó là thuộc thành phần SIM rác, thuê bao ảo. Theo các chuyên gia viễn thông, một trong những nguyên nhân khiến SIM rác hoành hành hiện nay là do chính sách khuyến mãi của nhà mạng khiến cơ cấu cước dịch vụ di động trả trước và trả sau bị méo mó. Trên lý thuyết, cước liên lạc dịch vụ trả sau rẻ hơn trả trước, kèm với đó khách hàng sẽ phải mất cước thuê bao. Thế nhưng, thực tế việc chạy đua khuyến mãi của các mạng di động đã khiến các thuê bao trả sau trở thành đối tượng bị “ngược đãi” bởi nếu tính chi li thì người dùng trả sau đang bị thiệt.

Hiện nay, khâu yếu nhất trong đăng ký và quản lý thuê bao chính là khâu đăng ký thuê bao ở các điểm đại lý ủy quyền của doanh nghiệp. Vì thế, nếu tiếp tục “quản” thị trường di động như trong thời gian qua thì người dùng sẽ tiếp tục mua SIM thay thẻ, vấn nạn SIM rác, thuê bao ảo sẽ tiếp tục tồn tại. Rõ ràng, ở đây, trách nhiệm của các nhà mạng được đặt lên đầu tiên trong vấn đề quản lý thuê bao của mình, nhất là thuê bao trả trước và việc quản lý hệ thống đại lý cửa hàng của mình.

Theo các chuyên gia viễn thông, để phát triển bền vững thị trường di động, cần tăng cường thuê bao trả sau và hạn chế thuê bao trả trước. Bởi hiện nay, ưu đãi cho trả sau không rõ nét so với trả trước nên khách hàng đa số chọn dùng trả trước. Cần phải có chính sách phù hợp cho doanh nghiệp tăng cường phát triển thuê bao trả sau, thay cho việc “loay hoay” tìm cách quản lý thuê bao trả trước.

Thời gian vừa qua, các mạng chủ yếu phổ cập di động nên ưu tiên đối với trả trước, song thời điểm hiện tại, nên ưu tiên phát triển thuê bao trả sau. Sự ưu tiên đó cần thể hiện ở ngay việc đăng ký thuận tiện, giá cước hợp lý hơn so với trả trước, chính sách chăm sóc thuê bao trả sau của các nhà mạng...

Cục Viễn thông đang trưng cầu ý kiến người dân và doanh nghiệp về chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Chính sách này được kỳ vọng sẽ đem lại quyền lợi cho khách hàng và sự bình đẳng giữa các mạng di động. Thời gian áp dụng chính sách từ năm 2014 và chậm nhất là năm 2016.

Cục Viễn thông cho rằng, chính sách này sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh bởi nó buộc các doanh nghiệp di động phải nỗ lực để giữ chân khách hàng hiện có và thu hút khách hàng mới thông qua việc giảm giá cước, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa những loại hình dịch vụ. Đồng thời, giúp thuê bao giảm thiểu chi phí so với khi chuyển mạng phải thay đổi số điện thoại và việc mất liên hệ với khách hàng.

Mặt khác, nếu áp dụng chính sách này sẽ góp phần loại bỏ rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp di động mới do việc thu hút thuê bao trở nên dễ dàng hơn. Còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thêm công cụ để thúc đẩy tính cạnh tranh cũng như điều tiết hoạt động của thị trường viễn thông di động; nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng tài nguyên kho số viễn thông.

Đặc biệt, dịch vụ chuyển mạng cũng góp phần thúc đẩy xu hướng cá nhân hóa số thuê bao, chỉ gắn bó với 1 hoặc vài số thuê bao nhất định, giảm thiểu hiện tượng SIM rác đang hoành hành trên thị trường như hiện nay. 

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục