
Để kịp thời đưa ra Quốc hội tiếp tục bàn thảo trong kỳ họp đầu năm 2016, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đang tiếp tục lấy ý kiến xung quanh Luật Dược (sửa đổi). Mới đây, tại TPHCM, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, thêm một lần nữa dự thảo Luật Dược (sửa đổi) được đem ra mổ xẻ, nhấn mạnh đến các điểm chưa “ổn” về quản lý tiền chất ma túy, thuốc giả.
Dễ “sập bẫy” thuốc giả
Một trong những vấn đề đang “tranh cãi” về dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là làm sao quy định một cách chi tiết, cụ thể nhưng không quá cứng nhắc đối với thuốc có ý đồ lừa đảo, làm giả. Theo dự thảo, có hai phương án đặt ra cho khái niệm thuật ngữ thuốc giả. Phương án 1 là thuốc được sản xuất không có dược chất, có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc được sản xuất, trình bày, dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ. Phương án 2, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo thuộc một trong các trường hợp: không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng được phép lưu hành; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo danh nhà sản xuất hoặc nước sản xuất hoặc nước xuất xứ; ghi sai chỉ định, tác dụng, công dụng trên nhãn so với nhãn đã được duyệt; thay đổi, sửa chữa thông tin về hạn dùng ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng dược liệu sai loại.
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, phương án 2 xem ra chi tiết và đầy đủ hơn nhưng vẫn có những bất cập. Ông Tiên ví dụ, hàm lượng khi sản xuất ra và cho phép lưu hành là 100g chẳng hạn nhưng có thể trong quá trình bảo quản, vận chuyển, do yếu tố khách quan mà giảm xuống còn 90g thì theo quy định trên sẽ là thuốc giả. Do đó, theo ông Tiên, điều quan trọng là chứng minh cho được có ý đồ lừa đảo hay không. Cùng quan điểm, bà Trần Thị Quỳnh Chi, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương tại TPHCM, cho rằng việc thuốc không đúng hàm lượng hoạt chất được phép lưu hành qua quá trình kiểm nghiệm bị phát hiện nhan nhãn. Tuy nhiên, điều này có thể lý giải được về mặt khách quan do yếu tố môi trường, thời tiết, bảo quản, vận chuyển. Cho nên, theo bà Chi là bỏ quy định này nhưng bổ sung cho phép dao động ở một mức nhất định để đảm bảo chất lượng của thuốc, hiệu quả điều trị. Đại diện Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cũng cho rằng rất dễ “sập bẫy” thuốc giả vì thuốc đăng ký hàm lượng 100 nhưng giảm xuống còn 95, 90 là chuyện thường. “Cần đưa ra một sai số cho phép nhất định. Nếu vượt quá sai số đó có thể xem xét là thuốc giả hay không”, vị lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Long phát biểu.

Mua thuốc ở bệnh viện
Bỏ ngỏ tiền chất ma túy?
Về tiền chất và chất gây nghiện, ở Luật Dược hiện hành dành cả một chương IX quy định về vấn đề này, nhưng trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) thì gần như trống vắng. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, trong thời gian qua, việc quản lý tiền chất gây nghiện đã bộc lộ rất nhiều sơ hở. Ngay cả số lượng nhập chính ngạch sau đó đi về đâu, thì việc chứng minh còn khó, chưa nói gì đến những lô hàng nhập lậu và việc thu gom các mặt hàng thuốc có chất gây nghiện để sản xuất ma túy đá càng khó hơn. “Đây là một vấn nạn xã hội, phải quy định chặt chẽ tại sao lại loại bỏ”, PGS Phong Lan bức xúc.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cũng nhấn mạnh phải kiểm soát thật chặt nguyên liệu dược và các loại thuốc. Ông Hùng cũng cho biết đã có danh mục thuốc, tiền chất để khi nhập khẩu thì hải quan căn cứ vào đó, có giấy phép là cho thông quan. “Nhưng khi tiền chất nhập vào rồi, đem đi đâu, sản xuất cái gì, biến tướng ra sao thì hải quan không quản lý được”, ông Hùng nói. Còn ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết hiện có 5 công ty được phép nhập khẩu tiền chất, chất gây nghiện. “Nếu thất thoát một lọ là đi tù”, ông Đạt nói. Ông Đạt thông tin rằng đã có một thông tư riêng quản lý về tiền chất, thuốc gây nghiện, các nhà nhập khẩu chỉ bán cho các công ty dược tỉnh và công ty dược tỉnh chỉ bán cho một nhà thuốc để quản lý tốt. Nếu bán lẻ thuốc có tiền chất gây nghiện phải báo cáo sở y tế các địa phương để nắm bắt, quản lý.
Tiền chất gây nghiện đang là vấn đề nhức nhối khi xã hội đang ngày càng nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy đá, ma túy tổng hợp bị phát hiện. Một trong những nguyên nhân là việc chiết xuất lại tiền chất từ các loại thuốc được bán rộng rãi trên thị trường. Ông Phạm Quốc Hùng cho biết, với chức năng đơn vị thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, Cục Hải quan TPHCM đã nhiều lần phối hợp với các đội thanh tra liên ngành thực hiện kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vận chuyển, bào chế ma túy đá, heroin từ tiền chất và chất gây nghiện. Do đó, Luật Dược sửa đổi cần phải có quy định quản lý hết sức chặt chẽ.
Thiếu quy định về quản lý mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) thiếu hẳn quy định về việc quản lý những vấn đề đang rất nóng, gây bức xúc cho xã hội là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Mặt hàng mỹ phẩm hiện nay không có một khung pháp luật nào quy định các vấn đề quản lý chuyên môn, mà chỉ quản lý như một mặt hàng thông thường, trong khi nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Còn thực phẩm chức năng thì đang tồn tại quá nhiều vấn đề về quảng cáo, giả mạo, lưu hành… |
TƯỜNG LÂM