(SGGPO).- Sáng nay, 10-10 hàng ngàn thanh niên tình nguyện của các cơ quan đơn vị tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp tục đổ về các vùng lũ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Trên gương mặt các bạn trẻ, ai cũng mệt mỏi vì dầm mình trong bùn đất nhưng họ vẫn lao vào giúp dân để khắc phục hậu quả.
Tại xã Tân Hóa, Đơn vị M9, Đoàn C68 (Quân khu 4) được lệnh xuất kích, nhanh chóng hành quân tiếp cận vùng ngập lũ Quảng Bình, tổ chức cứu trợ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. 315 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn C68 dưới sự chỉ huy của Đại tá Thái Văn Thành, Phó đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, được chia làm hai hướng hành quân theo đường 12 – đường Hồ Chí Minh tiếp cận xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và các xã Quảng Thuận, Quảng Thanh, Quảng Trung, Cảnh Hóa thuộc huyện Quảng Trạch. Bộ phận đi trước của Đoàn C68 đã đến bến vượt thuộc thôn Thiên Lạc, xã Tân Hóa. Lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men nhanh chóng được chuyển lên xuồng.
Điểm đến đầu tiên được xác định là thôn Rí Rị - nơi bị thiệt hại nặng nhất và cho đến thời điểm này chưa có lực lượng cứu hộ nào tiếp cận được, vì nước vẫn chưa rút hết. 100% nhà cửa của các hộ dân trong thôn đều tan hoang. Có nhà nước vẫn còn ngập nóc, thóc, ngô đã nảy mầm. Mái ngói bị nước xô lở, cả thôn không còn căn nhà nào tốt để trú chân.
Tại xã Sơn Trạch, cửa ngõ di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, tình trạng tan hoang chưa từng có sau lũ lộ ra. Hàng trăm ngôi nhà bị đổ, người dân đã mệt đến lả người nhưng vẫn cố mót chút đồ đạc sau lũ để gượng dậy dựng lại cuộc sống.
Sở y tế đã cử hơn 100 bác sĩ, y tá đến giúp dân rửa sạch các nguồn nước uống, tiêu độc, khử trùng. Với tiến độ hiện nay, dự kiến khoảng 15 ngày nữa hơn nửa triệu giếng nước vùng lũ sẽ được thay chua rửa phèn xong.
Trước tình hình đói khát của người dân, UBND tỉnh Quảng Bình đã vay khẩn cấp 300 tấn gạo cứu đói cho 6 huyện vùng lũ. Trong khi đó hàng trăm người dân của ba bản Trường Sơn (Quảng Ninh) vẫn bị lũ cô lập, tỉnh Quảng Bình phải tải gạo, muối, nước, lương khô, mì tôm vào chống đói cho dân.
Dù bị tan hoang sau lũ nhưng nhưng ở đâu, người dân cũng quyết gượng dậy để làm lại gia tài đã bị lũ cuốn trôi.
Xã Liên Trạch (Bố Trạch) bị hại nặng nề nhất với 8 người chết, tài sản bị cuốna sạch. Dù vậy, vẫn có nhiều người bỏ việc nhà để đến nghĩa trang liệt sĩ xã để dựng lại từng tấm bia mộ bị glũ cuốn trôi. Họ nói rằng, không làm như thế, người làng không cầm được lòng.
Đến sáng nay, 10-10, vẫn còn một số xã của Quảng Bình còn bị cô lập như: Thượng Hoá, Tân Hoá (Minh Hoá), Cao Quảng (Tuyên Hoá); toàn tỉnh Quảng Bình đã có 45 người chết, 15 người mất tích, 65 người bị thương do mưa lũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết, số người chết vẫn không dừng lại, bởi số người mất tích đến nay vẫn chưa tìm kiếm được hết.
Minh Phong
>> Hà Tĩnh, Quảng Bình tập trung xử lý môi trường, khắc phục hậu quả sau lũ
>> Thương lắm người dân vùng lũ