(SGGPO).- Ngày 2-11, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, có 6 hồ chứa thủy lợi đang vận hành xả lũ. Đây là 6 hồ chứa lớn gồm Vực Tròn, Thác Chuồi, Rào Đá, Phú Vinh, Phú Hòa và Sông Thai.
Lũ ngập xóm Hữu Lộc, thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong
Người dân vùng lũ Quảng Bình phải cố thủ trên mái nhà ngày 2-11, Ảnh: Phương Minh
Lũ trên sông Gianh có dấu hiệu xuống nhưng rất chậm, trong khi đó 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy mực nước đang lên khiến gần 20.000 hộ dân bị ngập nặng. Nhiều gia đình phải treo giường chạy lụt.
Người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh kê giường lên cao vì lũ vẫn còn lên. Ảnh: Minh Phong
Người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh cố thủ trên gác nhà. Ảnh: Minh Phong
Trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, gồm: 1 học sinh cấp 3 ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) bị lật đò tử vong khi đi học; 1 ngư dân ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch) ngã trên tàu cá tử vong khi cứu tàu; 1 cụ ông ở xã Quảng Hòa (Ba Đồn) bị lũ cuốn khi nhận quà cứu trợ. Có 2 người mất tích là Nguyễn Văn Phương (SN 1984), thôn 8 Xuân Trạch, Bố Trạch đi tìm trâu không về và Hà Thái Dương (SN 1993) Mai Hóa, Tuyên Hóa bị lũ cuốn trôi khi đang ứng cứu mưa lũ.
Ngày 2-11, lũ trên sông Gianh xuống như rất chậm do mưa to và thủy điện Hố Hô tiếp tục xả lũ. Trong khi đó hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy lũ lên mạnh.
Lũ sông Gianh rút chậm, nước rút đến đâu người dân dọn dẹp đến đó. Ảnh: Phan Minh
Có mặt tại rốn lũ xã Tân Ninh (Quảng Ninh), PV Báo SGGP ghi nhận tại các thôn Hữu Tân, Thế Lộ, Quảng Xá, Nguyệt Áng, hàng trăm hộ dân phải tất bật chạy trận lũ thứ 3 trong một tháng. Nhiều gia đình nền nhà thấp phải treo giường lên trần nhà để chạy lũ. Do nước ngập nhiều ngày qua 3 trận lũ nên người dân khan hiếm rơm khô để cho trâu bò ăn và phục vụ nấu nướng.
Trẻ em vùng rốn lũ thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chèo phao hơi đi kiếm rơm khô. Ảnh: Minh Phong
Trong khi đó rốn lũ huyện Lệ Thủy hàng vạn người dân cũng điêu đứng, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nước không rút mà lên nhanh. Ở vùng trũng phải mất hơn một tuần lễ nước mới có thể rút ra để người dân khôi phục sản xuất, sinh hoạt đời thường.
Minh Phong