Quảng cáo sách: Vẫn quá thầm lặng

Quảng cáo sách: Vẫn quá thầm lặng

Từ trước tới nay, chúng ta đều biết sách là một sản phẩm tri thức đặc biệt, tuy nhiên, sách còn là một loại hàng hóa, thậm chí là một loại hàng hóa có giá trị cao. Và cũng như mọi loại hàng hóa khác, sách cũng chịu những sự chi phối của thị trường.

  • Sách ngoại rầm rộ, sách nội im ắng
Quảng cáo sách: Vẫn quá thầm lặng ảnh 1

Giới thiệu cuốn Nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, một hình thức quảng bá sách tới đông đảo bạn đọc.

Như mọi loại hàng hóa khác, khâu quảng cáo đóng vai trò then chốt trong việc đưa sách tới đông đảo bạn đọc. Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, ít ai còn thời gian đi lựa từng cuốn sách mà chủ yếu tìm mua thông qua sự giới thiệu, quảng bá bằng nhiều con đường khác nhau.

Quảng cáo sách, điều này nghe còn khá xa lạ tại Việt Nam thì lại là việc rất bình thường ở các nước. Nếu trong quảng cáo hiện đại, việc quảng cáo tiếp thị đang dần nhường chỗ cho PR (quan hệ công chúng - tạo sự kiện) thì trong lĩnh vực sách cũng tương tự.

Bộ sách Harry Potter là điển hình: thay cho việc quảng cáo kiểu quen thuộc là các sự kiện “phát hành đồng loạt”, “giao lưu với tác giả với những tiết lộ về một số nội dung cuốn sách trước khi xuất bản”… Có thể cách sử dụng hàng hóa thì khác nhau nhưng mục đích của quảng cáo vẫn chỉ là một: thu hút độc giả đến với sản phẩm sắp hoặc đang được đưa ra thị trường.

Tại Việt Nam, trước đây, họa hoằn lắm mới có sự quảng bá sách và nếu có cũng chỉ giới hạn một số loại sách thiếu nhi, sách mang ý nghĩa giáo dục cao. Thực tế, các cuộc quảng bá sách đó chỉ mang yếu tố tuyên truyền hơn là yếu tố quảng cáo. Sau khi Việt Nam gia nhập Berne, thị trường sách bắt đầu chứng kiến những hoạt động quảng cáo sách chuyên nghiệp do các đối tác nước ngoài mang vào và thực hiện thông qua các đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm trong nước.

Tuy nhiên, các cuộc quảng bá sách này gần như không thấy sách văn học, chỉ trừ bộ sách Harry Potter được quảng cáo rộng rãi, hoành tráng nhờ tiếng tăm có sẵn của nó. Sách văn học nước ngoài được quảng cáo đã hiếm, sách văn học trong nước hầu như không có.

  • Quảng cáo sách: Nhu cầu tất yếu

Không hiểu tại sao đã được coi là hàng hóa nhưng sách vẫn bị đối xử một cách vừa trang trọng vừa xa cách. Nhiều tờ báo lớn đều có trang mục chuyên đề giới thiệu sách không chung đụng với các trang quảng cáo hàng hóa thông thường. Có lẽ cũng vì quá nâng niu như thế mà các trang giới thiệu sách dần trở nên khô khan do mang nặng tính giới thiệu theo kiểu tuyên truyền hơn là quảng cáo.

Tuy nhiên, tại Việt Nam gần đây cũng đã có những điển hình sách thành công nhờ khâu quảng bá tốt. Còn nhớ khi cuốn hồi ký “Nhật ký chiến tranh” của liệt sĩ Chu Cẩm Phong xuất hiện đã gây xôn xao một dạo nhưng rồi lại chìm mất. Phải đến khi “Mãi mãi tuổi 20” rồi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” nhờ liên tục xuất hiện trên những chương trình bề thế của Đài Truyền hình Trung ương, xuất hiện với mật độ cao trên các trang báo trong cả nước, trên đài phát thanh và các chương trình khác thì hai cuốn hồi ký đã nhanh chóng lập kỷ lục về số lượng bản được bán ra, một thành tích mà hiếm có cuốn sách nào tại Việt Nam ngày nay so sánh nổi.

Sách hay, rực lửa, lôi cuốn nhưng nếu không ai biết để đọc thì cũng sẽ nhanh chóng chìm vào bụi thời gian. Chúng ta đã, đang và vẫn tiếp tục mất đi rất nhiều tác phẩm hay do khâu quảng cáo sách thiếu chuyên nghiệp, thậm chí còn bị xem nhẹ. Quảng cáo sách, đó là viên gạch quan trọng cuối cùng để đưa sách đến tay đông đảo bạn đọc, viên gạch đó đang chờ được đặt vào ngôi nhà tri thức Việt Nam.

LÊ TƯỜNG VÂN

 

Tin cùng chuyên mục