Sau hơn 10 năm trong quân ngũ, năm 1975, Hoàng Tiến ra quân và chọn nghề báo làm sự nghiệp ở chặng đường còn lại của đời mình. Trong hơn 40 năm lăn lộn cùng công việc viết báo và quản lý tờ báo Đảng địa phương, anh dồn hết tâm huyết cho tờ Hà Bắc và khi tách tỉnh trở lại, là tờ Bắc Giang. Mãi tới khi nghỉ hưu, Hoàng Tiến mới tập hợp, chọn lọc một số bài bút ký, ký sự và in thành sách với tựa đề “Quê hương và đồng đội” (Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân - Tháng 1-2012).
Buffon nói: “Văn tức là người vậy”. Điều này thật chính xác khi ta đọc “Quê hương và đồng đội”. Các bài trong cuốn sách chỉ xoay quanh hai chủ đề “Quê hương” và “Đồng đội” đã đành mà ý tứ, tình cảm, văn phong cũng giản dị, chân chất, sâu lắng và vấn vít, thẫm đẫm nghĩa tình của miền quê Quan họ.
Dấu ấn Hoàng Tiến, trước hết là tình yêu quê cha đất tổ, là nghĩa xóm tình làng. Ấy là miền Bố Hạ có cam sành nổi tiếng, có lũy tre làng ríu rít tiếng chim kêu mỗi lúc ánh chiều buông. Hoàng Tiến khoe quê gốc của mình một cách toàn diện – nghĩa là khoe bề dày lịch sử, khoe “địa linh nhân kiệt”, khoe truyền thống cách mạng và “khoe” cả cái… nghèo.
Nhớ về Bố Hạ, Hoàng Tiến nhớ những ngày rất xa xưa thời chống Pháp, gia đình chạy tản cư, bà cô gánh hai chiếc thúng, một bên là quần áo, một bên là thằng em trai mới vài tháng tuổi. Nhớ đội văn nghệ của ông Kép Tốn và bà Bạch Trà cùng những đào những kép không chuyên, rất hăng hái “cơm nhà vác tù và hàng tổng”; nhớ đội bóng phố phủ với những chàng trai có đôi bàn chân da dày như đế dép cao su, chân trần mà chạy trên sỏi băng băng.
Nhớ về Bố Hạ, Hoàng Tiến nhớ ông Năm Ngựa có cách xin lửa mồi thuốc rất quái; nhớ anh Lừa, con ông, hy sinh ngoài mặt trận nhưng giấy báo tử về, không có thân nhân tiếp nhận.
Dấu ấn Hoàng Tiến, thứ nữa, là nói về anh em, bè bạn và những con người bình thường nhưng để lại trong anh những kỷ niệm không bao giờ phai. Đó là một ông già nhỏ thó, nếu không giới thiệu thì ta không thể biết được ông là Ba Thu, nhà tình báo chiến lược huyền thoại thời chống Mỹ. Ông đã từng bị "bạo chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn giam ở “Chín hầm” suốt 6 năm trời. May mắn thoát tù, ông Ba lại hoạt động trong tổ chức tình báo chiến lược và đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghỉ hưu, nhà tình báo tầm cỡ ấy trở về sống bình thản giữa đời thường.
Ngòi bút của Hoàng Tiến đặc biệt ưu ái khi viết về “những người cộng sản bình dân”. Một ông không rõ tên họ, quê tận tỉnh Đông, vì đói nghèo mà phải tha hương cầu thực. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông hòa trong dòng người cuồn cuộn cướp chính quyền. Ông trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Mặt trận Việt Minh, rất tận tụy trong nhiệm vụ vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp. Tiền bạc thu được ông cùng các đảng viên khác đếm suốt đêm rồi đóng bao cho vào sọt, gánh đi hàng hai mươi, ba mươi cây số để nộp. Hai người con trai ông đều nghe lời bố, lên đường nhập ngũ, ra chiến trường. (Người cộng sản bình thường)
***
Nhưng chủ đề “Đồng đội” mới thật đậm nét trong cuốn sách của nhà báo Hoàng Tiến.
Là người lính trải qua khói lửa chiến trường, từng “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non”, từng nhiều lần chịu cảnh mất mát đau thương khi đồng đội ngã xuống, Hoàng Tiến cũng như bao người cầm bút khác, sống trong thời bình mà hồn vía để ở vùng bom rơi đạn nổ đã lùi về dĩ vãng hàng chục năm trời. Món nợ với đồng chí đồng đội, với vong linh người đã khuất cứ đeo đẳng mãi không thôi. Mỗi lần chạm tới họ - những đồng đội một thời khói lửa, kẻ mất người còn – là tâm trạng Hoàng Tiến rất nặng nề, khắc khoải.
Người em trai thân yêu của tác giả hiện lên trong “Khi heo may về” thật sống động. Mỗi khi gió bấc tràn về là lúc trong lòng anh dậy lên những kỷ niệm ấu thơ. Mùa đông, gió lạnh hun hút thổi, chiều buồn não ruột, là nhớ em hồi xưa cùng anh chia ngọt sẻ bùi. Em nhập ngũ, là chiến sĩ lái xe ở chiến trường. Hoàng Tiến là lính công binh thời chiến, hiểu thế nào là cung đường trọng điểm, nơi em đang đi qua ngày đêm, và do đó lòng không bao giờ yên. Người đọc như thấy tác giả đang thầm thì tâm sự cùng người em trai – liệt sĩ!
“Tháng ba ở Pắc Lua”, tác giả viết về Tiểu đoàn Công binh 25 Anh hùng. Không một chút lên gân, không có sự cầu kì, ngòi bút dung dị và chân thực của Hoàng Tiến đã vẽ nên một bức tranh có thể nói là bi tráng thời mịt mù bom đạn. Trong chiến tranh, sự hy sinh, mất mát diễn ra muôn hình muôn vẻ. Đây là nhận xét của Hoàng Tiến về sự hy sinh của người chiến sĩ công binh: “Có lẽ trong chiến tranh, cái chết của người lính công binh khi đang làm nhiệm vụ gỡ bom mìn là thảm thương nhất. Một cái chết đúng nghĩa “Trở về cát bụi”. (Tháng ba ở Pắc Lua).
Hầu hết bài viết trong sách là chiến tranh và người lính chiến trường, dù có bắt đầu từ không khí hòa bình. Trong đó, mỗi lúc viết về đồng đội hy sinh là ngòi bút Hoàng Tiến có một giọng khác, nó ẩn chứa một nỗi đau âm ỉ, một sự trăn trở và nhớ nhung khôn nguôi.
Gần một nửa số bài trong cuốn sách viết về Lào là vì địa bàn hoạt động của anh lính Hoàng Tiến trong chiến tranh là chiến trường Lào. Lào thực sự là quê hương thứ hai của anh. Điều này lý giải vì sao “Trở lại Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng”, “Bua Pha” và “Múa Lăm vông ở cố đô Luông Pha Băng” v.v…, ngòi bút tác giả tự do, thoải mái vẫy vùng như cá gặp nước.
Thời đánh Mỹ, đúng là Việt Nam có một thế hệ vàng, hết lòng vì nước vì dân, sẵn sàng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, đất nước có 10 năm vấp váp và khó khăn, tiếp đó là thời kỳ đổi mới với bao lạ lẫm. Hoàng Tiến làm ký giả, lại cũng là người chỉ huy tác chiến báo chí ở một địa bàn quan trọng và nhạy cảm phía Bắc Thủ đô nên mặt phải, mặt trái của kinh tế thị trường đều thấy rõ. Trong đầu anh liên tục có sự so sánh, đối chiếu và suy nghĩ, từ đó nhận ra cái đúng cái sai, cái “quá” và cái “bất cập” v.v… Là người yêu sự trung thực, nhân hậu và trong sáng, trân trọng giá trị của sự hy sinh, Hoàng Tiến không thể không đau lòng trước những người trẻ tuổi quên đi xương máu của lớp cha anh, trước những tiêu cực của xã hội, sự tha hóa, biến chất và hãnh tiến của một bộ phận đảng viên cán bộ có chức quyền. Anh mang những trăn trở, dằn vặt của mình gửi vào bài viết. Đọc “Quê hương và đồng đội” ta sẽ thấy ở anh, khi là lời trách cứ nhẹ nhàng, lúc lại là sự lên án gay gắt (Người cộng sản bình thường).
***
Nhà báo Hoàng Tiến tự nhận rằng anh không có khả năng và cũng không có ý định điển hình hóa các nhân vật, các sự việc, khiến bài viết thành những sáng tác nghệ thuật, mà chỉ muốn giãi bầy những tình cảm với quê hương, với đồng đội như một sự tri ân. Đúng là như vậy. “Quê hương và đồng đội” là tiếng lòng nhỏ nhẹ, là lời thủ thỉ tâm tình giản dị và gần gũi; ở đó không có sự dụng công của kiếm tìm chữ nghĩa, của xây dựng hình tượng, chỉ có những chiến sĩ sống và cống hiến hết mình ở chiến trường, những bạn Lào chung thủy, những con người giữa đời thường với niềm vui nỗi buồn dân giã. Những chi tiết độc đáo chốc chốc lại bất ngờ bật lên chính từ đời sống thật, khiến người đọc phải ngạc nhiên, thú vị.
TP Hồ Chí Minh, ngày 17-2-2012
KHÁNH TƯỜNG