(SGGPO).- Sáng nay, 25-10, thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, nhiều vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng hụt thu ngân sách.
Đồng tình với các nguyên nhân đã được nêu rõ trong các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính – Ngân sách, song ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan trong công tác điều hành. Đại biểu Lê Thanh Vân nói: Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng do công tác dự toán thu quá lạc quan nên không thực hiện được. Công tác dự toán thu đã được tiến hành thận trọng, vì luôn dựa vào mức thực hiện của năm trước. Cho nên phải khẳng định rất rõ rằng hụt thu năm nay là do kinh tế thực sự trầm lắng, sản xuất kinh doanh suy giảm. Nói cách khác, chúng ta đã chưa nhận thức đúng đắn khó khăn của nền kinh tế.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, việc miễn giảm thuế là chủ trương đúng đắn nhưng phải có lộ trình phù hợp, mà vừa qua là “làm nhanh quá”. Nếu bộ máy hành thu được bổ sung cơ chế, lực lượng và loại trừ được tiêu cực (do cán bộ thuế “bắt tay” với đối tượng nộp thuế) thì có thể thu thêm hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.
Nhiều ý kiến khác trong tổ đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa bày tỏ tán thành với quan điểm này và yêu cầu siết chặt chi tiêu trong năm tới theo hướng “kiếm được bao nhiêu chi tiêu bấy nhiêu”; chú trọng giảm bớt chi tiêu thường xuyên. Các đại biểu cũng đề nghị, khi phân bổ ngân sách năm tới cần quan tâm đến những tỉnh thành gặp khó khăn vì thiên tai bão lũ.
Ở một góc nhìn hơi khác, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lo ngại về xu hướng “tận thu” từ một số doanh nghiệp Nhà nước đang ăn nên làm ra và muốn để lại phần lợi nhuận kiếm được để tăng vốn hoạt động, tái đầu tư. “Ngân hàng chúng tôi (ông Hùng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank - PV) đã rất cố gắng thuyết phục các cổ đông, trong đó có cả cổ đông nước ngoài và tư nhân không chia cổ tức để có thêm tiền tăng vốn, thúc đẩy kinh doanh. Vậy mà bên tài chính lại không cho, thế thì bao giờ mới có được những doanh nghiệp Nhà nước thực sự lớn mạnh, làm ăn hiệu quả” – đại biểu Hùng “than thở”.
Ông Hùng đề xuất, trong công tác phân bổ ngân sách cần nhanh chóng và triệt để thiết lập khung chi tiêu trung hạn, tạo chủ động cho các đơn vị; đồng thời sớm đưa Luật Đầu tư công vào cuộc sống.
Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, vẫn còn sự chồng chéo, dàn trải, dẫn đến chi ngân sách phân tán, kém hiệu quả. “Có ý kiến nhận xét rằng Chương trình 135 được triển khai theo kiểu 5-3-1; nghĩa là về đến địa phương thì chẳng còn được là bao. Công tác quản lý của Chính phủ đối với các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn yếu kém, chưa tiếp thu ý kiến của Quốc hội về nhiều vấn đề”, bà Khánh nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến các bất cập về ngân sách hiện nay là do Luật Ngân sách Nhà nước chậm được sửa đổi.
Cũng về chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) lưu ý, tuy phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các chương trình này thường chỉ ở mức 38 – 39%, nhưng thực tế thường lên đến trên 60%, vì các địa phương thực hiện chương trình thường là nghèo, không sắp xếp được vốn đối ứng. Vì vậy, cần thấy trước việc này để phân bổ vốn và tính chuyện phát hành trái phiếu cho phù hợp.
ANH PHƯƠNG