(SGGPO).- Chương trình xây dựng pháp luật năm 2012 đã được Quốc hội thảo luận trong phiên họp sáng 17-11. Chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đề nghị có Luật Từ chức
Về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản đồng tình và nhấn mạnh thêm một số nguyên tắc ưu tiên, các điều kiện để đảm bảo hoàn thành chương trình với chất lượng cao… ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) thẳng thắn đề nghị phải chấm dứt tình trạng “hữu danh vô thực” - tức là có tên nhưng dành rất ít thời gian, công sức cho công tác xây dựng pháp luật của một số thành viên Ban soạn thảo. Trong điều kiện nhân lực, tài lực có hạn chúng ta nên xây dựng một chương trình vừa sức, dành ưu tiên những luật điều chỉnh các vấn đề bức xúc trong xã hội, không nên dễ làm khó bỏ.
ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) góp ý thêm: Các dự án cho ý kiến lần đầu thì đến ngày khai mạc kỳ họp này ĐBQH mới nhận được. Trong khi đó, có nhiều luật có phạm vi tác động xã hội rộng, ĐBQH muốn tham vấn ý kiến địa phương, ý kiến chuyên gia trước khi nêu ra quan điểm của mình tại kỳ họp nhưng không làm được.
Nhận định của ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) gây nhiều chú ý. Theo ông, hiện nay người dân cho rằng có tới 1/3 công chức chân trong, chân ngoài, làm việc không hiệu quả cần phải giảm bớt. Nhất là những người đứng đầu, nếu không đủ tài đức thì cũng nên từ chức. Do vậy cần xây dựng Luật Từ chức. Đó là việc làm phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước mà cũng là phù hợp với truyền thống dân tộc ta.
Nóng với dự án Luật Biểu tình
Tuy nhiên, vấn đề gây ra những tranh luận trái chiều tại phiên thảo luận có liên quan đến dự án Luật Biểu tình (được đưa vào chương trình chuẩn bị). ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM) đã thực sự làm nóng hội trường khi ông thẳng thắn yêu cầu không đưa luật về lập hội và Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa. Ông còn cho rằng đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.
Quan điểm của ĐB Hoàng Hữu Phước đã tạo nên những ý kiến tranh luận khá sôi nổi ngay sau đó. Nhiều ĐB cho rằng biểu tình là một trong những quyền hiến định, rất cần được luật hóa để kiểm soát tốt hơn hoạt động này, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, nếu có luật, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn, hoạt động biểu tình sẽ diễn ra đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm; mọi hành vi lợi dụng sẽ có cơ sở để nghiêm trị. Nói dân trí chưa cao nên chưa thể thực thi một số quyền dân chủ là không đúng. Dân trí chúng ta hiện nay khá cao. Còn việc lợi dụng kẽ hở của luật thì lúc nào cũng có, không riêng gì luật này, vấn đề là chuẩn bị kỹ. Dĩ nhiên, vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế về vấn đề này nên cần nghiên cứu, khảo sát, vì vậy đưa vào chương trình chuẩn bị là một sự thận trọng cần thiết.
Anh Thư
ĐBQH quyết định cuối cùng
Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng: 2 tuần sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh về quyền biểu tình của người dân. Lúc đó chính trong giải thích của sắc lệnh này nói rằng quyền hội họp của người dân là quyền rất cơ bản. Trong hoàn cảnh phức tạp như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn giải quyền hội họp trong bối cảnh này cần có sắc lệnh biểu tình, coi đó là bảo đảm quyền dân chủ của người dân và là công cụ cho nhà nước điều chỉnh. Cho nên, cần phải nhìn Luật Biểu tình ở cả hai mặt như vậy.
Hiến pháp năm 1946 được cụ thể hóa bằng quyền tự do hội họp và cũng có nội hàm là biểu tình. Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cũng có hẳn chữ quyền về biểu tình. Đang có cách hiểu biểu tình một cách phiến diện. Nếu có Luật Biểu tình phải biểu tình phải đúng giờ giấc, nơi, chỗ, mục đích thì sắp xếp trật tự xã hội sẽ thuận lợi. Chính vì không có luật nên mới tùy tiện.
Việc biểu tình chống “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là có tinh thần yêu nước nhưng do thiếu tổ chức nên dẫn đến tác động ngoài mong muốn của chúng ta. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng chính Thủ tướng Chính phủ chủ động đề xuất Luật Biểu tình cần phải đưa vào chương trình xây dựng luật. Khi phản đối xây dựng, ban hành Luật Biểu tình, ĐBQH không thể lúc nào cũng nhân danh nhiều người mà nói quan điểm của mình. Nhân danh người dân là điều cần phải hết sức thận trọng.
- Phóng viên: Nhưng việc một số ĐB phản đối cũng có lý bởi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh dù có Luật Biểu tình nhưng vẫn xảy ra những bất ổn, hệ lụy từ việc biểu tình?
ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC: Sự biến tướng bao giờ cũng có cả. Luật nào cũng có thể lách luật, vấn đề là thể hiện năng lực của Nhà nước. Và cách tốt nhất Nhà nước hãy chứng tỏ mình để người dân biểu tình ủng hộ nhiều hơn là phản đối. Chẳng hạn biểu tình chống tham nhũng có thể chĩa vào cán bộ Nhà nước nhưng nó lại phục vụ Chính phủ. Hay những năm 1980 khi hiện tượng tại nông thôn Thái Bình mà ta gọi bạo loạn, lúc đó các đồng chí lãnh đạo Đảng đến tận nơi, phát hiện vấn đề có hai mặt: tiêu cực, thiếu tổ chức nên hỗn loạn, nhưng tích cực là phát hiện nhiều sai sót, yếu kém trong bộ máy chính quyền địa phương. Nhờ thế chúng ta đã có sự điều chỉnh cả hai mặt. Nếu chúng ta nâng cao hơn nữa khả năng quản lý bộ máy công quyền cộng với Luật Biểu tình, tôi nghĩ sẽ có tác dụng tích cực.
- Thủ tướng có đề nghị giao Bộ Công an xây dựng Luật Biểu tình. Theo ông điều này có hợp lý so với việc giao một cơ quan khác để đảm bảo sự khách quan?
Tôi nghĩ soạn thảo luật ở nước ta hiện nay đã thành tập quán, truyền thống là phần lớn do cơ quan hành pháp thực hiện nhờ thực tiễn rất phong phú của họ. Với một luật có tính nhạy cảm này giao cho Bộ Công an là phù hợp nhưng cần có sự phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc để tập hợp được sự đa dạng và quyền lợi của người tham gia biểu tình được đảm bảo. Và cái quyết định cuối cùng vẫn chính là các ĐBQH.
Hà My
“Trong điều kiện nhân lực, tài lực có hạn thì chúng ta nên lựa chọn một chương trình vừa sức, dành ưu tiên cho những luật điều chỉnh các vấn đề bức xúc trong xã hội, không nên dễ làm khó bỏ”, ông nói.
Ông Chu Sơn Hà và nhiều đại biểu khác còn đề nghị kiên quyết chấm dứt tình trạng gửi dự án luật chậm so với thời gian quy định. Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) góp ý: “Các dự án cho ý kiến lần đầu mà đến tận ngày khai mạc kỳ họp các đại biểu Quốc hội mới nhận được. Trong khi đó có nhiều luật có phạm vi tác động xã hội rộng rãi, đại biểu Quốc hội muốn tham vấn ý kiến địa phương, ý kiến chuyên gia trước khi nêu ra quan điểm của mình tại kỳ họp, nhưng không thực hiện được vì không có thời gian”.
Về các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), cần thống nhất nguyên tắc ưu tiên cho những nhu cầu bức xúc của đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, có những dự án được đề xuất chỉ vì nhu cầu của chính đại biểu Quốc hội hoặc của một nhóm nhỏ.
Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị phát huy mạnh mẽ hơn nữa hình thức tổ chức hội nghị đóng góp xây dựng luật, nhưng không nên giới hạn là “hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách”, mà nên mở rộng tới các đại biểu Quốc hội có kiến thức, chuyên môn sâu và tâm huyết với vấn đề đó.
Theo nhận xét của các đại biểu Quốc hội, Chương trình xây dựng pháp luật đề xuất lần này đã cô đọng hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng “vẫn có thể rút gọn hơn nữa”. Đơn cử, để đảm bảo tính ổn định, ít phải sửa đổi luật có thể gộp một số pháp lệnh về tư pháp vào các luật. Tương tự, Luật Hiến máu, tế bào gốc có thể gộp với Luật Hiến mô, tạng; Luật Đô thị và Luật Thủ đô cũng có thể gộp vào làm một. Đại biểu Đỗ Văn Đương còn đề nghị nên xây dựng Luật Từ chức, Luật Nông dân…
Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TPHCM) đã thực sự làm "nóng" hội trường khi thẳng thắn đề nghị không đưa Luật Lập hội và Luật Biểu tình vào Chương trình xây dựng pháp luật.
Theo đại biểu Hoàng Hữu Phước, với trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xã hội của nước ta hiện nay, việc cho ra đời Luật Biểu tình là chưa cần thiết, thậm chí rất dễ bị một số đối tượng lợi dụng.
“Tập họp đông người ngoài trời thường là hại nhiều hơn lợi, gây tắc đường, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhiều người dân. Nếu trưng cầu ý kiến, tôi tin rằng đa số công dân sẽ không đồng ý Luật Biểu tình vì tính chất dễ gây tổn thương của nó”, đại biểu Hoàng Hữu Phước khẳng định.
Quan điểm của đại biểu Hoàng Hữu Phước đã tạo nên những ý kiến tranh luận khá sôi nổi.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, một số bất cập của việc biểu tình tự phát mà ông Hoàng Hữu Phước nêu ra lại chính là những lý do cho thấy cần phải có luật để điều chỉnh hành vi này. Lý do dân trí còn thấp cũng không được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đồng tình. “Quyền được biểu tình để biểu thị chính kiến, tình cảm của công dân đã được quy định rõ trong Hiến pháp” , ông Trương Trọng Nghĩa nói với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng.
ANH PHƯƠNG