Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp: Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường

(SGGPO). - Sáng nay, 23-10, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp: Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường

(SGGPO). - Sáng nay, 23-10, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Các đại biểu (đều cho rằng, bản dự thảo lần này đã có tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) phát biểu, tại thời điểm này, việc sửa đổi Hiến pháp như vậy là phù hợp. “Hiến pháp chỉ thay đổi thì tình hình đất nước có thay đổi căn bản về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng. Lần này, chúng ta định hướng thay đổi rộng trong khi từ năm 1992 đến nay, về kiến trúc thượng tầng lẫn cơ sở hạ tầng, về thiết chế chính trị của chúng ta chưa có gì thay đổi lớn. Vì vậy những vấn đề cơ bản nhất vẫn giữ nguyên, đó cũng là hợp lý”, đại biểu Ánh nói. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) khi cho rằng, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp.

Phải bảo đảm quyền lợi của dân khi thu hồi đất

Đi vào các vấn đề cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý, thu hồi đất vì phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng nếu quy định không khéo sẽ bị lợi dụng, mà thực tế trong nhiều năm qua đã bị lạm dụng, lợi dụng. Vì vậy, Hiến pháp cần thiết kế lại nội dung này. Cần ghi rõ, thu hồi đất đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng không cần ghi trong Hiến pháp thu hồi đất vì mục đích kinh tế-xã hội, “chỉ cần nói thu hồi đất vì an ninh, quốc phòng, quốc gia và công cộng” là đủ.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại tổ TPHCM sáng nay.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại tổ TPHCM sáng nay.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TPHCM) cũng cho rằng, thu hồi đất đai là vấn đề nhân dân đặc biệt quan tâm, đây cũng là lĩnh vực chiếm tới 70%-80% vụ khiếu kiện, vì lợi ích của người dân bị xâm phạm. “Cần có thời gian để thực hiện Luật Đất đai, tổng kết thực tiễn rồi mới hiến định vấn đề thu hồi đất vào Hiến pháp. Nếu không làm được điều đó mà hiến định ngay từ lần sửa này thì phải sửa theo hướng: Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết, còn sẽ do Luật Đất đai quy định”, đại biểu Lê Trọng Sang phát biểu.

Liên quan đến vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, vấn đề quy hoạch, sử dụng đất đai hiện nay đang bị lạm dụng và xâm phạm quyền lợi của người dân. Sự bất an của người dân hiện nay chính là quy hoạch và sử dụng không rõ ràng, vì vậy Hiến pháp cần bảo đảm điều này để họ an tâm. “Tôi đồng ý với sửa đổi của Hiến pháp trong việc thu hồi đất. Tuy nhiên, cần hiểu người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất mà dân quan tâm nhất là quyền lợi bị xâm hại vì giá đền bù không thỏa đáng. Đề nghị giá đền bù phải tuân theo cơ chế thị trường”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cũng đồng tình với quan điểm, khi thu hồi đất thì phải đền bù theo giá thị trường, bất kể thu hồi vì mục đích gì.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong cùng mảnh đất, giá đền bù khác nhau nếu mục đích thu hồi là khác nhau, vì vậy đã gây mất công bằng. “Nếu tâm không trong sáng thì quy hoạch có vấn đề, khi đó lợi ích của dân sẽ bị xâm phạm. Đề nghị giá đền bù thu hồi đất của dân trong mọi trường hợp đều phải phù hợp với giá thị trường. Nếu Hiến pháp không quy định rõ, chỉ để “theo quy định của pháp luật” thì dân không yên tâm, dễ bị lợi dụng, vì thế mà cần ghi “theo giá thị trường”, đại biểu Quyết Tâm nói.

Mô hình chính quyền địa phương: Chưa rõ

Bên cạnh vấn đề thu hồi đất, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận nhiều vấn đề khác, nhất là mô hình chính quyền địa phương. TPHCM đang triển khai thí điểm đề án xây dựng chính quyền địa phương, nhưng chính các đại biểu Quốc hội của TPHCM vẫn cảm thấy chưa rõ về nội dung chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi.

“Về chính quyền địa phương, tuy đã có sự tiếp thu nhưng vẫn thể hiện sự lúng  túng. Đọc chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa định hình được chính quyền địa phương là gì. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng chưa rõ. Có thể do chưa có tổng kết thực tiễn nên thể hiện còn lúng túng. Cần có sự đầu tư một cách thích đáng để điều chỉnh thêm để có thể thông qua tại kỳ họp này”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu.

Cũng liên quan đến chính quyền địa phương, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp giải trình thêm về Điều 111 vì  chưa rõ ràng. “Cần nói rõ trong tương lai, chỗ nào tổ chức chính quyền địa phương, chỗ nào chỉ cần ủy ban hành chính. Ngoài ra, một nguyên tắc của chính quyền địa phương là tự chủ tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp, nhưng trong Hiến pháp vẫn không mạnh dạn thể hiện điều này. Đề nghị phải bổ sung”, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu.

Theo chương trình kỳ họp, ngày 5-11, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường. Ngày 18-11, ông Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc chỉnh lý dự thảo. Cuối cùng, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 28-11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu Ngô Ngọc Bình (TPHCM) và một số đại biểu khác thể hiện sự nhất trí với Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đồng ý với quan điểm kinh tế Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, đó là tư tưởng nhất quán. “Nhưng nếu viết không khéo sẽ dẫn đến hiểu lầm. Vì trong giai đoạn hiện nay, rất cần huy động tổng thể các thành phần kinh tế tham gia phát triển đất nước, tôi đề nghị cần viết rõ hơn trong Hiến pháp”, ĐB Ngân đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) góp ý cần ghi rõ giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên trong Hiến pháp. Ngoài ra, Điều 39 nên ghi rõ công dân có quyền và nghĩa vụ học tập, khôi phục quy định “giáo dục tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” của Hiến pháp hiện hành vì thể hiện tính nhân văn lớn của chế độ ta…


PHAN THẢO – ANH PHƯƠNG

Thông tin liên quan

 Quốc hội nghe báo cáo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Quy định chặt chẽ về thu hồi đất để bảo đảm lợi ích của dân

Tin cùng chuyên mục