Quốc kỳ - Những cột mốc lịch sử

Nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên
Quốc kỳ - Những cột mốc lịch sử

Nơi xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên

Năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị Tân Hương (Châu Thành - Tiền Giang), quyết định phát động cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và chọn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh (theo gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú hồi năm 1931) làm lá cờ chính thức, nhằm tập hợp và hiệu triệu hàng triệu quần chúng xông lên trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù xâm lược. Đến tháng 11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đầu tiên tại đình Long Hưng - nơi đặt chỉ huy sở của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Từ đó, ngọn cờ đỏ sao vàng luôn luôn theo sát cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, rồi trở thành Quốc kỳ của nước ta - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) và tiếp đến là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976).

Hai người phụ nữ kéo cờ trong ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945)

Đó là nữ du kích Đàm Thị Loan, khi ấy vừa tròn 20 tuổi (sau này là phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái) và nữ sinh Dương Lệ Thi, hội viên Hội Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, 19 tuổi, con của học giả Dương Quảng Hàm. Vào ngày 2-9-1945, trước nửa triệu đồng bào dự mít tinh, hai người phụ nữ ấy đã được vinh dự kéo quốc kỳ lên cột cờ khán đài Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập của dân tộc sau 80 năm đấu tranh anh dũng, lật đổ ách thống trị của bọn phát xít, thực dân, phong kiến trên đất nước ta.

Cờ đỏ sao vàng tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945

Người phất lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” trên nóc hầm De Castries ở Điện Biên Phủ (7-5-1954)

15 giờ ngày 7-5-1954, thực hiện lệnh tổng công kích của Bộ Chỉ huy chiến dịch trung tâm. Đến 17 giờ 30 phút, tại hầm chỉ huy của tướng De Castries, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (thuộc Trung đoàn 209) cho đánh hai quả bộc phá ở hai cửa hầm, rồi xông vào cùng các chiến sĩ bắt sống tướng De Castries và toàn bộ ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cùng lúc đó, trên nóc hầm của De Castries, trung đội trưởng Lại Văn Thinh, đơn vị xung kích của Trung đoàn Thủ đô, phất cao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng”, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Pháp De Castries (7-5-1954)

Người cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày đại thắng 30-4-1975

10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng T.54 mang biển số 61 843 do trung úy Bùi Quang Thận chỉ huy, cùng các chiến sĩ Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỳ, Lữ Văn Thái, dẫn đầu đoàn tăng 12 chiếc thuộc Lữ đoàn đặc nhiệm 203 đã tiến vào Dinh Độc Lập. Xe chưa dừng hẳn, Bùi Quang Thận nhanh chóng nhảy ra khỏi xe, cầm cờ cùng với một số chiến sĩ bộ binh chạy nhanh vào dinh và nhảy ba bước một trên cầu thang lên đến sân thượng, giật bỏ cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn, treo lá cờ cách mạng lồng lộng tung bay trước gió, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

NAM SƠN

Tin cùng chuyên mục