Theo Reuters, hôm nay 9-11, Myanmar bắt đầu kiểm phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong nhiều thập niên qua. Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi dự kiến sẽ chiếm nhiều ghế nhất trong quốc hội mặc dù bà bị cấm nhậm chức tổng thống theo hiến pháp (vì có 2 con quốc tịch nước ngoài). Liên minh Đoàn kết phát triển (USDP) đã nắm quyền từ năm 2011 dự kiến sẽ về thứ hai.
Hơn 6.000 ứng viên của các đảng cạnh tranh 664 ghế tại quốc hội. Vì 25% ghế của quốc hội đương nhiên dành cho quân đội nên NLD muốn chiếm đa số trong quốc hội phải đạt ít nhất 67% số phiếu bầu. Kết quả chính thức đầu tiên dự kiến sẽ được công bố từ trong ngày 9-11.
Kiểm phiếu bầu tại Yangon, Myanmar ngày 9-11
Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt của Myanmar vào ngày 8-11, nhưng cảnh báo khả năng vẫn còn nhiều trở ngại trong việc đưa nước này trở lại nền dân chủ sau nhiều thập kỷ do giới quân sự cầm quyền.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu trên 80% là "một bước tiến quan trọng". Tuy nhiên, ông Kerry tỏ ý lo ngại về việc "một số lượng lớn ghế nghị sĩ vẫn dành cho lực lượng quân sự" cũng như quyền bầu cử của người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Người đứng đầu bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "sẽ tiếp tục theo dõi quá trình kiểm phiếu nhằm đảm bảo minh bạch, đáng tin cậy và bất kỳ khiếu nại nào cũng phải được giải quyết kịp thời, minh bạch và phù hợp". Ông thêm rằng "Cuộc bầu cử của Myanmar có khả năng sẽ là một bước quan trọng hướng tới hòa bình, thịnh vượng và dân chủ cho nhân dân Myanmar".
Về phía Liên minh châu Âu (EU), ông Alexander Lambsdorff, Trưởng nhóm quan sát của EU tại cuộc bầu cử Myanmar cho biết cuộc bỏ phiếu "đáng tin cậy" ở Yangon, thành phố lớn của Myanmar. Theo ông, chưa xảy ra vấn đề lớn nào. Tuy nhiên, ông nói rằng ông chỉ có thể chứng thực tình hình ở Yangon.
Trái ngược hoàn toàn với những thập kỷ qua, chính phủ Myanmar đã mở cửa cho các nhà quan sát từ 28 quốc gia cùng với 11.000 người giám sát địa phương đến quan sát 40.000 điểm bỏ phiếu.
KHÁNH MINH