Quỹ Bảo hiểm y tế: Quỹ thừa tiền, dân nghèo thiếu thẻ

Khoảng 80.000 người nghèo, người cận nghèo ở TPHCM chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi Quỹ BHYT ở TPHCM đang “thừa” khoảng 220 tỷ đồng.
Quỹ Bảo hiểm y tế: Quỹ thừa tiền, dân nghèo thiếu thẻ

Khoảng 80.000 người nghèo, người cận nghèo ở TPHCM chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi Quỹ BHYT ở TPHCM đang “thừa” khoảng 220 tỷ đồng.

Nghịch lý

Năm 2015, Quỹ BHYT ở TPHCM kết dư khoảng 1.100 tỷ đồng. Theo quy định về phân bổ và sử dụng quỹ BHYT, 80% phần kinh phí chưa sử dụng hết được chuyển về quỹ dự phòng; 20% được chuyển về địa phương. Như vậy, số tiền được để lại TPHCM khoảng 220 tỷ đồng. Việc sử dụng số tiền “thừa” trên, theo quy định, được ưu tiên theo thứ tự: Hỗ trợ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ mức đóng BHYT cho người yếu thế; mua trang thiết bị y tế; mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện.

Trong khi đó, ông Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM, cho biết TP có khoảng 111.800 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 5,7% tổng hộ dân TPHCM) với khoảng 272.000 người nghèo và 191.000 người cận nghèo. Người nghèo TP có 3 nhóm: Nhóm 1 - vừa nghèo thu nhập, vừa nghèo đa chiều; nhóm 2 - nghèo thu nhập, không nghèo đa chiều; nhóm 3 - cận nghèo thu nhập, nghèo đa chiều (3a) và không nghèo thu nhập, nghèo đa chiều (3b). Người nghèo nhóm 1 và 2 được ngân sách chi 100% kinh phí mua thẻ BHYT (621.000 đồng/thẻ/năm). Với người nghèo nhóm 3a và cận nghèo, ngân sách chi 70% mệnh giá thẻ, họ phải đóng thêm 30% (khoảng 186.000 đồng). Song trên thực tế, chỉ khoảng 1/3 tổng số người nghèo nhóm 3a và cận nghèo tự bỏ 30% tiền còn lại, khoảng 1/3 nữa được các mạnh thường quân hỗ trợ, nên đến nay vẫn còn khoảng 80.000 người chưa có thẻ BHYT. “80.000 người này rất cần có thẻ BHYT. Chúng tôi đang trao đổi với Bảo hiểm xã hội TPHCM, Sở Y tế, Sở Tài chính bàn cách hỗ trợ họ 30% kinh phí còn lại để tham gia BHYT, trích từ nguồn kết dư quỹ BHYT năm 2015”, ông Trương Văn Lương cho hay. 

Trao thẻ BHYT tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 4. Ảnh: CTV

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết từ tháng 7-2016, BHXH TPHCM và Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đã đề nghị hỗ trợ thẻ BHYT cho 80.000 người này trong 6 tháng cuối năm 2016. Theo tính toán, số tiền hỗ trợ dự kiến cho 80.000 người mua thẻ BHYT thời hạn 6 tháng cuối năm chỉ khoảng 8 tỷ đồng. Quan trọng hơn, BHXH TPHCM đồng thời đề xuất hỗ trợ nguyên năm 2017 cho khoảng 154.000 người nghèo nhóm 3a, cận nghèo với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng. “Số tiền trên ít lắm, không thấm tháp gì so với 220 tỷ đồng TPHCM được giữ lại”, ông Cao Văn Sang đánh giá.

Hỗ trợ… cho có?!

Tuy nhiên, bây giờ đã là cuối tháng 8-2016 mà việc hỗ trợ nốt 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo vẫn chưa đâu vào đâu. Đến thời điểm này, các nơi chưa rõ cách làm là tập hợp danh sách người nghèo (3a) và cận nghèo về TP hay từng quận, huyện sẽ thực hiện. Với tốc độ này, khả năng cao sẽ không kịp hỗ trợ thẻ BHYT có giá trị từ tháng 9-2016 cho người nghèo, cận nghèo, chứ chưa nói gì đến việc hỗ trợ thẻ có giá trị trong 6 tháng cuối năm 2016 (từ tháng 7-2016), như dự tính ban đầu.

Nhận xét về việc hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người nghèo nhóm 3a và cận nghèo, Giám đốc BHXH TPHCM cho rằng, việc hỗ trợ “giống như… làm cho có”. Ông Cao Văn Sang phân tích, việc sử dụng thẻ BHYT có lợi nhất là cần được sử dụng lâu dài. Thông thường, người có thẻ BHYT được Quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, 20% còn lại người có thẻ đồng chi trả. Trong trường hợp có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1.210.000 đồng/tháng), thì người bệnh sẽ được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, không cần đồng chi trả nữa. Tuy nhiên, hiện nay rất ít người nghèo nhóm 3a, người cận nghèo có quá trình tham gia BHYT 5 năm liên tục để được sử dụng thẻ BHYT một cách có lợi nhất. Bởi, mặt trái của việc hỗ trợ họ mua thẻ BHYT là không hỗ trợ thẻ có giá trị nguyên năm, mà thường chỉ hỗ trợ “nhỏ giọt”, thẻ có thời hạn mấy tháng, sau đó ngưng, rồi rà soát, đợi có nguồn mới hỗ trợ tiếp… mấy tháng. Thành ra, họ ít khi có thẻ BHYT có giá trị đủ thời gian 12 tháng và càng hiếm có được thẻ BHYT 5 năm liền. “80.000 người sắp được hỗ trợ thẻ BHYT, giờ không kịp hỗ trợ 6 tháng, nếu chỉ được hỗ trợ 3 - 4 tháng cuối năm 2016 (tháng 9, 10, 11 và 12-2016) rồi ngưng, thì việc hỗ trợ đó không có ý nghĩa nhiều”, ông Cao Văn Sang nhận định.

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo (3a), cận nghèo, Giám đốc BHXH TPHCM đề nghị, cùng với hỗ trợ các tháng còn lại của năm 2016, ngay từ bây giờ rất cần chủ động tính toán hỗ trợ nguyên năm sau, giúp họ có thẻ BHYT để có thể sử dụng từ ngày 1-1-2017.

Đề xuất hỗ trợ thêm BHYT cho 1,5 triệu học sinh

Cùng với đề nghị hỗ trợ nốt 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người nghèo nhóm 3a và người cận nghèo, BHXH TPHCM cũng đề nghị hỗ trợ  thêm 10% mệnh giá thẻ BHYT cho học sinh TPHCM. BHXH TPHCM cho biết, hiện nay ngân sách đang hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT của học sinh, học sinh đóng 70%. Theo BHXH TPHCM, số tiền kết dư quỹ BHYT được để lại cho TPHCM khá lớn nên cần xem xét hỗ trợ thêm 10% nữa cho học sinh. Với 1,5 triệu học sinh, số tiền hỗ trợ thêm 10% thẻ BHYT dự kiến khoảng 105 tỷ đồng.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục