Trong số 8.000 lô hàng sản phẩm vải, dệt bị bắt buộc phải kiểm định hàm lượng chất formaldehyt, chỉ có 6 mẫu vi phạm. Chưa kể, quy định kiểm định trên chỉ được ban hành tạm thời nhưng lại tồn tại 6 năm nay. Đó là thực tế đã được nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị cải cách thủ tục xuất nhập khẩu do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22-9 tại TPHCM.
Tạm thời... 6 năm
Đại diện Hải quan Đồng Nai khẳng định, từ khi thực hiện Thông tư 32 vào năm 2009 đến nay, Hải quan Đồng Nai chưa phát hiện bất kỳ lô hàng nào vi phạm quy định. Còn nếu tính tại cửa khẩu Hải quan TPHCM, trong 8.000 lô hàng mà chỉ phát hiện 6 mẫu vi phạm, tỷ lệ quá thấp. Trong khi đó, nguồn lực xã hội phải chi trả thực hiện thông tư này lại quá lớn, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Nghiêm, Tổng Công ty cổ phần Mai Son cho biết, trung bình mỗi lô hàng của công ty phải lấy khoảng từ 4 - 7 mẫu phân tích và phải mất ít nhất 5 ngày mới có thể nộp cho cơ quan hải quan. Riêng chi phí chi cho hoạt động này mỗi năm tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng. Bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè bức xúc, từ khi bị bắt buộc phải lấy mẫu kiểm định đến nay, công ty chưa một lần vi phạm. Vậy tại sao vẫn phải áp dụng kiểm định phân tích mẫu? Riêng về phí phân tích mẫu, trung bình có giá 1,5 - 3,5 triệu đồng/mẫu. Trong những trường hợp khẩn cần thông quan lô hàng nhanh, ngoài chi phí trên, doanh nghiệp còn phải trả thêm chi phí 700.000 đồng/mẫu để có kết quả phân tích mẫu trong ngày. Đó là chưa tính, hiện cả nước chỉ có 12 trung tâm kiểm định và tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đồng Nai… Trường hợp những lô hàng doanh nghiệp thông quan tại những tỉnh, thành không có trung tâm phân tích thì doanh nghiệp phải lưu mẫu và chuyển về các thành phố lớn để phân tích nên chi phí còn tăng hơn do thời gian lưu kho bãi còn lâu hơn. Đặc biệt có những đơn hàng đối tác yêu cầu nhanh, hay những hợp đồng có tính chất thời vụ, công ty không thể thực hiện vì thủ tục thông quan nguyên liệu sản xuất quá rườm rà.
Gấp rút tháo gỡ
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây không khác gì một loại giấy phép con. Việc kiểm tra chỉ mang tính chất hình thức, gây khó cho doanh nghiệp, không có hiệu quả thực tế, làm lãng phí nguồn lực xã hội. Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID nhấn mạnh, trong Thông tư 32 chỉ quy định 3 nhóm sản phẩm dệt may là nhóm sản phẩm dệt may dùng cho trẻ em, nhóm sản phẩm không tiếp xúc trực tiếp với da và nhóm sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da buộc phải kiểm định hàm lượng chất formaldehyt. Thế nhưng diện bao phủ 3 nhóm này lại rất rộng. Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm dệt may, các loại vải, các loại hình nhập khẩu đều thuộc diện phải kiểm tra. Thậm chí, với cả những trường hợp nhập khẩu nhỏ lẻ, phi thương mại; sản phẩm nhập khẩu từ những khu vực có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam, có xác nhận, chứng nhận đạt chất lượng của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín… đều phải thực hiện kiểm định mẫu.
Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần phải tính mức độ rủi ro để áp dụng phương pháp quản lý. Vậy ở đây, mức độ rủi ro đối với lô hàng chứa chất formaldehyt trong suốt 6 năm là chưa tới 1%. Vậy việc áp dụng cứng nhắc biện pháp quản lý bằng cách bắt buộc tất cả các doanh nghiệp, tất cả các lô hàng là thương mại hoặc phi thương mại đều phải chi trả thực hiện kiểm định là quá mức cần thiết. Trong khi đó, chỉ với mức rủi ro thấp như thế này hoàn toàn có thể áp dụng hình thức quản lý rủi ro. Đồng thuận với quan điểm này, ông Peter Bennett, cố vấn cao cấp dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID nhấn mạnh, kinh nghiệm quản lý vấn đề này tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, không nên áp dụng phương thức kiểm tra đồng loạt tất cả các mẫu lô hàng mà cần thực hiện quản lý theo hình thức rủi ro.
ÁI VÂN