Trong thời gian qua, nhiều người dân gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh nỗi bức xúc khi chứng kiến những hành vi thiếu ý thức, thiếu chuẩn mực trong ứng xử nơi công cộng, thậm chí vi phạm pháp luật mà không bị nhắc nhở, xử lý. Cụ thể, nhiều phụ huynh vẫn bạo hành, bóc lột sức lao động của con cái, vi phạm Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, nhưng không bị xử lý pháp luật; nhiều người vẫn thản nhiên hút thuốc lá nơi công cộng - dù đây là hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; nhiều người xả rác và nước thải ra vỉa hè, vứt xác chuột chết ra đường, phóng uế nơi công cộng...Và còn nhiều hành vi về dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng ít thấy xử lý vi phạm, thậm chí bị thả nổi.
Tình trạng thiếu sự song hành giữa việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật có nhiều nguyên nhân như: có luật nhưng lại còn cần phải chờ có nghị định, thông tư hướng dẫn; có nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật do các ngành chức năng liên quan ban hành theo tư duy chủ quan của người quản lý, hoặc chỉ ban hành cho có, để “phủi tay” trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, nên không đi vào cuộc sống được.
Một nguyên nhân phổ biến nhất, đó là công tác thực thi pháp luật thiếu sự đồng bộ, hợp lý và khoa học trong cách phân công, phân nhiệm và cách tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Thí dụ, với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hay hành vi gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn vệ sinh chung, theo quy định, có nhiều lực lượng để xử phạt, nhưng không có lực lượng nào chuyên trách để giám sát, xử phạt hành vi này. Thử phân tích vì sao ở nhiều nước giữ được đô thị sạch đẹp, văn minh, cư dân không vi phạm về xả rác, hút thuốc, phóng uế, gây ồn ào nơi công cộng và không vi phạm luật giao thông? Cùng với việc cư dân đã được giáo dục thành nền nếp ứng xử văn hóa nơi công cộng, còn do có sự giám sát, xử phạt nhanh chóng và nghiêm các hành vi vi phạm. Trong khi đó ở nước ta dù đã có các quy định xử phạt và có bộ máy quản lý an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, văn hóa đô thị... rất cồng kềnh nhưng không cơ quan chức năng nào thấy mình có trách nhiệm thực thi pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Có nhiều trường hợp cơ quan chức năng phải bó tay chỉ vì quy định xử phạt không đơn giản.
Trên cơ sở phân tích chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng thiếu sự song hành giữa việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, có thể thấy cần nhiều việc và nhiều thời gian để khắc phục căn cơ. Việc trước hết là phải nâng chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, coi trọng khâu thẩm định của cơ quan tư pháp; nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước, ngăn ngừa sự chồng chéo dẫn đến lẩn tránh thẩm quyền hoặc không sử dụng hết quyền lực nhà nước của các cơ quan. Khi văn bản quy phạm pháp luật thiếu khả thi và tổ chức bộ máy thừa hành pháp luật khó thực thi, thì tất nhiên pháp luật sẽ kém hiệu lực. Về mặt xã hội, cũng rất cần chú trọng việc giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, ý thức tôn trọng các chuẩn mực ứng xử nơi cộng đồng.
HUỲNH THANH LUÂN