Bài toán khó cần sớm giải
Theo PGS.TS.KTS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận chung, quy hoạch và quản lý đô thị ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của quán tính bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường. Trong khi đó, đô thị ngày càng khẳng định vai trò động lực then chốt trong nền kinh tế với khoảng 55% dân số sống tại các đô thị vào năm 2020. Do đó, cần cải cách công nghệ và quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng chuyển từ quy hoạch “tĩnh” sang quy hoạch “động”.
Còn PGS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng, việc mở rộng quá mức, quá nhanh không gian đô thị, mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển hay phát triển để bảo tồn di sản đô thị… là những nút thắt đang đặt ra. Chẳng hạn như gần đây có hiện tượng nhiều tỉnh cố gắng “phấn đấu” lên hạng thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện tượng này có nguy cơ như là hội chứng trong phát triển đô thị ở nước ta. Hay một số xu hướng khác như phát triển khu trung tâm hành chính đô thị các cấp hoặc trung tâm hành chính tập trung…
“Trong nhiều trường hợp, những quyết định hành chính này sẽ để lại những hệ lụy lãng phí tiền của, công sức và rất khó xử lý lại. Chẳng hạn như trường hợp thành phố mới Bình Dương được xây dựng rất hoành tráng với kỳ vọng rất lớn, nhưng thiếu một số yếu tố hạ tầng mềm nên sau nhiều năm vẫn còn khá hoang vắng”, một chuyên gia quy hoạch cho biết. Rõ ràng, ở đây, vấn đề nghiên cứu, lựa chọn lý thuyết và mô hình phát triển đô thị thích hợp với điều kiện của Việt Nam có ý nghĩa tiên quyết.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và cập nhật thường xuyên ngân hàng dữ liệu kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản…, phục vụ công tác lập quy hoạch đô thị, đồng thời để đồ án quy hoạch là hồ sơ khả dĩ nhằm bổ trợ và dẫn dắt quá trình phát triển theo định hướng thiết kế.
Theo giới chuyên gia, thực trạng quy hoạch đô thị tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đáng bàn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Khi áp lực giao thông “đè nặng” lên hạ tầng, gần đây, vấn đề hạn chế xây cao ốc trong các quận trung tâm lại được đặt ra.
Song song với việc không tiếp tục phát triển chung cư, căn hộ nhà cao tầng khu vực trung tâm, một số ý kiến đề nghị phát triển khu đô thị vệ tinh để điều phối, bố trí lại dân cư, lực lượng lao động nhằm giải tỏa cho các thành phố trước những áp lực giải quyết việc làm, nhà ở, an sinh xã hội, trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm trái chiều cho rằng, “đô thị nén” với các cao ốc là câu chuyện phổ biến. Vấn đề lớn nhất là triển khai dự án nhà ở phải đi đôi với phát triển hạ tầng. Bên cạnh đó, câu chuyện dự án chậm tiến độ cũng là vấn đề đau đầu đối với quy hoạch đô thị. Đơn cử tại Hà Nội, hiện nay có đến 383 dự án chậm triển khai trên địa bàn.
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng dự án “treo” là do việc lập quy hoạch còn chưa tổng hợp đầy đủ và xử lý tốt các thông tin hiện trạng và thông tin dự báo về tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố đầu vào khác dẫn tới mục tiêu, tầm nhìn, một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác.
Đồng thời, quy hoạch thiếu tính khả thi do chưa hoặc không xác định các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, công viên, trường học …) và đền bù giải phóng mặt bằng. Việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.
Một số nhà đầu tư do không quan tâm hoặc không đủ năng lực tài chính nên mới chỉ chú ý đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, dịch vụ mà chưa tập trung xây dựng các công trình hạ tầng trong khu vực dự án và công trình hạ tầng kết nối dự án với các khu vực lân cận.
Và kinh nghiệm quốc tế
Ông Tom Berge, Ủy viên Hội đồng quy hoạch đô thị California, Mỹ chia sẻ: “Giống như nhiều thành phố trên thế giới, chúng tôi cũng gặp phải khó khăn chung trong quy hoạch đô thị như phải giải quyết các câu chuyện về mật độ số đông đảm bảo giá nhà hợp lý, không gian xanh... Đặc biệt là tại Nam California, quỹ đất còn lại của chúng tôi cũng rất ít, vì vậy giải pháp đưa ra là phát triển đô thị theo chiều cao. Trên thực tế, mật độ xây dựng ở các khu trung tâm California đang rất cao. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân. Đồng thời, xây dựng hệ thống khép kín, ví dụ bên trên là nhà ở thì bên dưới là trung tâm mua sắm...”.
Vị chuyên gia này cho biết, chính quyền bang California khuyến khích các chủ đầu tư dành một quỹ đất, quỹ nhà cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Mỗi thành phố lại có một hội đồng quy hoạch đô thị và cứ mỗi 5 - 10 năm sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu người dân. Đồng thời, phải có các dự báo về tương lai để lồng ghép vào quy hoạch đô thị trong tương lai. “Chúng tôi phải phân bổ khu vực nào là khu dân cư, đâu là khu thương mại hay đâu là bãi đỗ xe... Những tiện ích này phải đi dọc theo hành lang dân cư để người dân có thể được hưởng các tiện ích một cách tối đa” - ông Tom Berge chia sẻ.
Trong khi đó, ông Remigio Ramirez, chuyên gia quy hoạch môi trường/đô thị đến từ Philippines cho biết, tại các đô thị lớn của Philippines cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức về giao thông... Đặc biệt, Philippines phải đối mặt với nhiều cơn bão lớn nên phải quy hoạch đô thị để thích ứng với các tác động của tự nhiên. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn khắc phục thực trạng này vì đường phố hiện nay có quá nhiều xe hơi, mà không thể mở rộng đường theo sự tăng trưởng của xe hơi. Chính phủ Philippines cũng sẽ áp dụng các kinh nghiệm quản lý của Singapore trong việc quản lý và sử dụng xe hơi. Và Philippines đang nghiên cứu tính khả thi của tàu điện ngầm ở các địa phương khác nhau. Đặc biệt, ở Philippines, quy hoạch cần tham khảo ý kiến người dân để có chiến lược phù hợp” - ông Remigio Ramirez cho biết thêm.
Đồng quan điểm về quy hoạch chiều cao, ông Harry Yeo, nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore chia sẻ: “Chúng tôi là một đảo quốc rất nhỏ với khoảng hơn 700km2. Chính vì vậy mà quy hoạch đô thị có vai trò rất quan trọng. Do quỹ đất hạn chế, chúng tôi buộc phải phát triển đô thị theo chiều cao và xây thêm nhiều tòa nhà chọc trời. Chúng tôi cũng phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nhà ở. Singapore phải đảm bảo quy hoạch đô thị vẫn có các không gian xanh và tiện ích tốt nhất.
Cũng theo ông Harry Yeo, quy hoạch giao thông đây là yếu tố quan trọng trong quy hoạch đô thị. Với kế hoạch quy hoạch tổng thể dài hạn 5 - 10 năm, Chính phủ phân vùng quy hoạch cho kinh doanh và nhà ở riêng biệt. Nếu đã quy hoạch cho kinh doanh thì sẽ không có nhà ở.
Còn ông Soichrio Takamine, Phó vụ trưởng, Ban quy hoạch đô thị, Cục Đô thị, Bộ Đất đai hạ tầng giao thông (Nhật Bản) cũng chia sẻ: “Cách đây vài tuần có 1 trận động đất xảy ra ở Hokkaido. Động đất là hiện tượng không hiếm và là vấn đề lớn phải đặt ra trong quá trình quy hoạch đô thị của Nhật Bản. Dân số Nhật Bản đang phát triển ngày càng lớn và chúng tôi đặt ra yêu cầu quy hoạch phải đảm bảo yếu tố môi trường. Đồng thời, trong quy hoạch, Nhật Bản chú trọng yếu tố bảo tồn. Chính quyền địa phương tuân thủ quy định rất tốt về quy hoạch đô thị. Bối cảnh xã hội cũng đã thay đổi nhiều nên quy hoạch đô thị cũng phải phát triển theo. Chúng tôi phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển xã hội và phát triển đô thị”.
Vị chuyên gia này cho biết, Nhật Bản coi việc ứng dụng công nghệ là then chốt để quản lý tốt hạ tầng, tăng cường kết nối các mạng lưới, hệ thống, bố trí khu dân cư gần các phương tiện công cộng để phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm tải tắc đường và ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình quy hoạch, Nhật Bản cũng đề cao thúc đẩy các hình thức mới giúp người dân có cuộc sống thoải mái hơn. Ở Nhật Bản, thành tố cơ bản để tạo nên các đô thị chính là giao thông công cộng.