Làm thế nào để thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào những lĩnh vực đúng định hướng vẫn luôn là một câu hỏi lớn, trong khi dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng chảy chậm lại? Đây là câu hỏi không dễ, trong khi định nghĩa về thành phần kinh tế có vốn FDI cũng như những chính sách đối với FDI trên thực tế vẫn còn chưa thống nhất và ổn định. TS Phan Hữu Thắng đã chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này với Báo SGGP. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Thúc đẩy phát triển, tạo đối trọng cạnh tranh
Tôi cho rằng Hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện FDI tại Việt Nam tháng 3 vừa qua đã đưa ra những đánh giá toàn diện và khách quan về đầu tư nước ngoài trong suốt một khoảng thời gian đáng kể. Nói một cách ngắn gọn, thực tiễn 25 năm qua cho thấy việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Tại hội nghị đó, Thủ tướng đã gửi thông điệp rất rõ ràng đến các nhà đầu tư rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Cần phải có những phân tích cụ thể chứ không nên e ngại một cách chung chung là ưu đãi cho FDI có thể dẫn đến bất bình đẳng.
|
Về định hướng đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư là một trong các nội dung của Đề án lựa chọn đối tác chiến lược do Bộ KH-ĐT làm đầu mối triển khai thực hiện, đã được đưa ra thảo luận chung và lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành liên quan cách đây 2 năm. Vấn đề là cần đánh giá kết quả của đề án và tổ chức triển khai đúng các nội dung cần thực hiện theo kết luận của đề án đó.
Trên thực tế xu hướng đầu tư hiện nay cũng khá phù hợp với định hướng. Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm tính đến 20-5-2013 đạt 8.517,1 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, vốn đăng ký của 398 dự án được cấp phép mới đạt 5.091,3 triệu USD (giảm 17,9% số dự án và tăng 5,8% số vốn so với cùng kỳ năm trước); nghĩa là các dự án mới đã có quy mô lớn hơn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 7.596,5 triệu USD, chiếm tới 89,2% tổng vốn đăng ký; trong khi kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 4,5%.
Thông qua thu hút FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây, như thu hút được nhiều công nghệ mới, tiên tiến; sản xuất ra các sản phẩm mới mà trước đây ở Việt Nam chưa có. Nhiều doanh nghiệp FDI đã tổ chức sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao, xuất khẩu gần 100% sản phẩm ra thị trường nước ngoài trong các lĩnh vực điện tử, quang cơ - điện tử.
Cũng phải thấy rằng nhiều doanh nghiệp trong nước, do thúc ép của thị trường cạnh tranh ngày càng cao được tạo ra bởi sản phẩm của khối FDI, đã cố gắng đổi mới công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn, có sức cạnh tranh cao hơn.
Muốn “nâng chất”, phải khôn khéo
Tuy nhiên, đúng là mục tiêu thu hút công nghệ cao tiên tiến thì chưa đạt kết quả đặt ra. Ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có một thực tế phải nhìn nhận là trong các dự án FDI, không thể kỳ vọng thu hút công nghệ cao, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chưa được thương mại hóa. Vì mục đích của các nhà đầu tư khi thực hiện chuyển giao công nghệ trong FDI là tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí để đổi mới, thay thế công nghệ. Muốn nhà đầu tư bỏ vốn vào những lĩnh vực công nghệ cao, cần kết hợp khôn khéo giữa những chính sách ưu đãi phù hợp với công tác thẩm định công nghệ.
Đặc biệt, để điều chỉnh dòng vốn FDI chảy vào đúng địa bàn, cũng như tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp thì cần sớm có quy hoạch FDI trong quy hoạch tổng thể.
Về hiện tượng chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI, chúng tôi cũng đã có nghiên cứu nhiều năm nay; đặc biệt là đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về thuế ở các địa phương. Có thể nói, để ngăn chặn được hiện tượng này là khó, vì để “chuyển giá” được, những nhà đầu tư làm việc này đã có sự chuẩn bị rất kỹ về mặt pháp lý, từ thủ tục đến các chứng từ hợp lệ. Do vậy, các bộ ngành và địa phương có liên quan cần ngồi lại đánh giá đầy đủ tình hình, mới mong tìm ra giải pháp thích hợp, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến tài chính, thương mại quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Cần phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp các thông tin và đồng thuận trong xử lý các hiện tượng chuyển giá, không đánh đồng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong chuyện này. Phải xử lý đúng người, đúng việc mới có thể hạn chế được tình trạng chuyển giá.
| |
TS PHAN HỮU THẮNG
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT
ANH THƯ ghi