Quy hoạch lại nguồn lực thể thao

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) luôn là một ngày hội thể thao lớn nhất khu vực, thu hút nguồn lực đầu tư lớn nhất dành cho thể thao ở hầu hết các quốc gia.

Tham gia thi đấu và thành công tại các kỳ SEA Games vừa là nghĩa vụ đóng góp cho phong trào chung của Cộng đồng ASEAN, vừa là thước đo tính hiệu quả trong công tác phát triển thể thao, kể cả với những quốc gia đứng đầu sân chơi này như Thái Lan, Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng, SEA Games vẫn bộc lộ các hạn chế mang tính đặc thù rất khó, hoặc rất lâu mới thay đổi được. Các quốc gia đăng cai vẫn có xu hướng giảm các môn có tính phổ biến để đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn, nhiều nội dung chỉ mang tính cục bộ.

Tỷ lệ thay đổi có thể lên đến 20%-30% so với kỳ SEA Games trước, trong khi tiêu chuẩn chung của Asiad hay Olympic là không quá 5%. Có những môn vắng mặt nhiều kỳ SEA Games rồi đột ngột đưa trở lại, và có môn chỉ xuất hiện đúng một lần.

Thậm chí ở những môn Olympic, có một số nội dung thế giới không còn thi đấu nhưng SEA Games vẫn giữ. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị, cũng như chiến lược phát triển của nhiều nền thể thao thành viên, nhất là các đoàn mạnh.

Về cơ bản, thể thao Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp, nên phần lớn vẫn dựa vào ngân sách công để đầu tư cho ngành thể thao. Với một nguồn tài chính cố định và hạn hẹp, yêu cầu tinh gọn đội ngũ, tập trung nguồn lực cho các môn thể thao sở trường và có tác động lớn đến phong trào, đời sống xã hội, càng được đặt ra với các nhà quản lý thể thao Việt Nam.

Cụ thể như tại SEA Games 32 tới đây, Đoàn Thể thao Việt Nam buộc phải cắt giảm nhân sự, chi tiết đến từng phần việc nhằm phù hợp với ngân sách, nhưng vẫn phải bảo đảm được mục tiêu thành tích. Khó nhưng cũng phải làm.

Cách đơn giản nhất để đưa người đi dự SEA Games ít nhưng đạt hiệu quả cao là tập trung cho các môn trọng điểm, nhiều nội dung thi đấu và có trong chương trình của Asiad lẫn Olympic. Khi đó, nguồn ngân sách sẽ được tập trung, các VĐV được đầu tư sâu hơn, có chất lượng hơn và cũng dễ đo lường thành tích hơn.

Mà để làm được như vậy, Đoàn Thể thao Việt Nam phải chấp nhận giảm chỉ tiêu huy chương toàn đoàn, cố gắng duy trì vị trí trong tốp 3 nhưng không sa đà vào việc đua số lượng huy chương vốn là nguyên nhân làm tăng số thành viên tham gia SEA Games.

Trên thực tế, đánh giá về năng lực và sự tiến bộ của một nền thể thao ở Đông Nam Á lâu nay không quá phụ thuộc vào tổng số huy chương mà các quốc gia giành được qua các kỳ SEA Games. Các vị trí trong tốp 3, tốp 4 toàn đoàn ở SEA Games đều không phản ảnh chính xác nội lực từng quốc gia.

Ví dụ như Philippines từng 4 lần đứng đầu SEA Games nhưng phải đến Olympic Tokyo 2020, họ mới lần đầu tiên có chiếc HCV lịch sử, mà đó là ở nội dung quyền Anh vốn là thế mạnh, từng thống trị nhiều năm qua tại Đông Nam Á. Hoặc ở các kỳ Asiad, các đoàn Indonesia, Malaysia thường xuyên xếp trên Việt Nam về số HCV, dù tính trong phạm vi đấu trường SEA Games, họ luôn xếp sau Việt Nam, ngoại trừ các lần đăng cai đại hội.

Việc Thể thao Việt Nam tinh gọn lực lượng tham dự SEA Games 32 cũng là thời điểm thích hợp quy hoạch lại nguồn lực VĐV cho các mục tiêu quốc tế cao hơn. Không hạ thấp giá trị của SEA Games, nhưng việc tham gia đại hội khu vực cần một cách tiếp cận mới, mà ở đó, ngân sách tập trung cho các môn trọng điểm vốn được đầu tư dài hạn, tạo cơ chế và có giải pháp để nâng dần tỷ lệ tham gia bằng nguồn xã hội hóa.

Đây là bài toán khó thuộc về phần việc quy hoạch lại tổng thể ngành TDTT Việt Nam đang được thực hiện, để cho việc dự SEA Games trong tương lai không còn là gánh nặng thành tích cũng như tài chính, nhưng vẫn duy trì được vị thế hàng đầu của chúng ta ở sân chơi khu vực.

Tin cùng chuyên mục