TPHCM là đô thị hạt nhân thuộc vùng kinh tế phát triển năng động và luôn có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước, trong đó ngành giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng, là động lực trong phát triển kinh tế và đô thị. Công tác quy hoạch giao thông là rất cần thiết và cần nghiên cứu một cách khoa học, nhằm xác định cho thành phố phát triển phù hợp trong từng giai đoạn và đáp ứng trong tương lai một cách bền vững nhất.
Quá trình nghiên cứu quy hoạch giao thông TPHCM
Ngay từ những năm đầu sau ngày giải phóng, TPHCM đã tổ chức nghiên cứu Quy hoạch chung xây dựng thành phố, trong đó Quy hoạch giao thông đã được nghiên cứu kỹ, có hệ thống phù hợp với Quy hoạch phát triển không gian đô thị và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các đồ án Quy hoạch chung TPHCM vào các năm 1993, 1998, 2010.
Từ tháng 6 năm 2004 có dự án do Jica (Nhật Bản) hỗ trợ với tên gọi “Quy hoạch tổng thể và nghiên cứu khả thi về giao thông vận tải khu vực thành phố Hồ Chí Minh” (Báo cáo HouTrang). Trên cơ sở kết quả báo cáo trên, UBND TPHCM tiếp tục lập nghiên cứu chi tiết Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông TPHCM đến năm 2025 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 101/QĐ/TTg ngày 22-1-2007 và điều chỉnh Quy hoạch tại Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8-4-2013.
Định hướng Quy hoạch giao thông phát triển bền vững
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM trên cơ sở tổng hợp nhiều yếu tố như Quy hoạch phát triển đô thị, giải pháp tổng thể về mạng lưới đường và các phương thức giao thông gồm:
° Giải pháp phân vùng phát triển không gian đô thị, hình thành các đô thị vệ tinh và các trung tâm chuyên ngành ở các quận ngoại thành giảm lưu lượng giao thông hướng vào trung tâm thành phố.
° Giải pháp phân tách các luồng giao thông đối ngoại từ các đô thị phụ cận và trung tâm chuyên ngành.
° Tổ chức các tuyến đường xuyên tâm chính theo các hướng có lưu lượng giao thông lớn, hạn chế lưu thông của các xe tải vào khu vực trọng tâm thành phố.
° Phát huy vai trò vận chuyển hành khách công cộng để giảm số lượng phương tiện cá nhân lưu thông trong nội đô.
Thành quả thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Với nỗ lực phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, TPHCM đã thực hiện đầu tư nhiều công trình trọng điểm, hoàn thiện được hệ thống khung giao thông chính gồm các tuyến đường xuyên tâm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam (quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Hữu Thọ); Tây Nam - Đông Bắc (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; Kinh Dương Vương - Ba Tháng Hai - Điện Biên Phủ - xa lộ Hà Nội; Phạm Văn Đồng); đường Rừng Sác huyện Cần Giờ, cơ bản khép kín tuyến Vành đai 2; mạng lưới đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành tạo điều kiện gắn kết vùng TPHCM; đầu tư xây dựng, hoàn thiện các nút giao thông quan trọng cửa ngõ của thành phố như: nút giao thông Trạm 2, nút giao thông cổng Đại học Quốc gia, nút giao thông Cát Lái, nút giao thông Phú Mỹ, nút giao Võ Văn Kiệt với quốc lộ 1… và các nút giao thông quan trọng khác trong nội đô thành phố (phát huy hiệu quả bằng sự linh hoạt các cầu vượt bằng thép); nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trục chính của thành phố như: Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Hùng, Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 50, quốc lộ 13, tỉnh lộ 12, tỉnh lộ 14, tỉnh lộ 16...
Xa lộ Hà Nội đoạn đã mở rộng. Ảnh: CAO THĂNG
Bên cạnh đó, đã khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến số 2 - giai đoạn 1 (Bến thành - Tham Lương); nâng cấp mạng lưới xe buýt công cộng ngày một hoàn thiện. Đang triển khai khẩn trương tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 và số 2 trong 6 tuyến đã quy hoạch.
Qua 40 năm, bằng những nỗ lực hết mình, TPHCM đã tiến được những bước dài trên con đường phát triển, đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. Trong thời gian tới, thành phố vẫn phải tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực và đề xuất các cơ chế chính sách để đầu tư tiếp tục cho hệ thống giao thông thành phố, đặc biệt là các hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn.
Kiến nghị và giải pháp thực hiện
Từ những thực trạng, khó khăn trong phát triển quy hoạch giao thông vận tải ở TPHCM theo quy hoạch, thách thức lớn nhất đó là nguồn lực thực hiện. Chỉ riêng nhu cầu vốn đầu tư các dự án giao thông công cộng đô thị tại thành phố đến năm 2025 cần khoảng 30.000 tỷ đồng, xin kiến nghị một số nội dung sau:
Tiếp tục phát triển không gian đô thị TPHCM theo mô hình đa tâm gắn kết với phát triển hệ thống giao thông công cộng. Muốn phát triển giao thông bền vững thì không thể tách rời quá trình đô thị hóa, chỉnh trang đô thị, tái cấu trúc đô thị qua phân khu chức năng hợp lý, phân bố lại dân cư. Vì vậy phát triển các trung tâm khu vực (khu đô thị phức hợp) dựa vào khung sườn giao thông công cộng có sức chở công suất lớn, nhất là Metro. Dọc theo các tuyến giao thông này, đặc biệt tại các vị trí trong bán kính 500m quanh các nhà ga được điều chỉnh quy hoạch “nén” hơn, tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân cư cao hơn tạo cơ hội cho các dự án bất động sản phát triển nhanh nhằm tăng nguồn thu.
Để đảm bảo nguồn lực đầu tư và phát triển giao thông công cộng cần tập trung, ưu tiên vốn đầu tư xây dựng, phát triển bến, bãi, điểm trung chuyển cho phương tiện, dành nguồn vốn ngân sách nhà nước hợp lý hơn cho đầu tư phát triển giao thông tĩnh, ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, các bãi đỗ xe ngầm áp dụng công nghệ tiên tiến.
Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển vận tải hành khách đô thị, đặc biệt vận tải công cộng khối lượng lớn, đồng thời kiểm soát sự phát triển phương tiện cá nhân. Triển khai đồng bộ việc đầu tư, đổi mới phương tiện và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh cho toàn thành phố. Tăng cường khả năng nguồn thu tài chính từ việc phát triển giao thông công cộng (tăng thuế sử dụng đất, thuế kinh doanh - dịch vụ từ các lĩnh vực được hưởng lợi từ việc phát triển công trình công cộng).
| |
Th.S - KTS TRẦN CHÍ DŨNG
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM