Quy hoạch quốc gia phải do Quốc hội phê duyệt

Thảo luận tại tổ ĐBQH TPHCM về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch, các ý kiến bày tỏ quan tâm cao đến tính khả thi của cả hai dự án Luật.

(SGGPO).- Thảo luận tại tổ ĐBQH TPHCM về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch, các ý kiến bày tỏ quan tâm cao đến tính khả thi của cả hai dự án Luật.

Liên quan đến dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ĐB Phạm Phú Quốc đặt câu hỏi, luật này có quy định hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể hay không. “Luật DN đã công nhận hộ kinh doanh cá thể là một loại hình DN, nhưng chưa trao cho họ địa vị pháp lý. Tôi cho rằng nên tính toán hỗ trợ cả hộ kinh doanh cá thể, vốn đang góp phần giải quyết một lượng rất lớn lao động”.

Ghi nhận ý nghĩa lớn của Luật DNNVV đối với cộng đồng doanh nhân, ĐB Lâm Đình Thắng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu kỹ lưỡng, chuẩn bị và hòan thiện nghị định hướng dẫn để ban hành đồng thời tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Luật cũng cần có cơ chế để DN có quyền khiếu nại tố cáo chứ không chỉ “đề xuất, phản ánh” khi xảy ra tình trạn vi phạm pháp luật trong hoạt động hỗ trợ DN. Một khiếm khuyết nữa là dự luật chưa có cơ chế phòng ngừa và chế tài xử lý các tổ chức trung gian trục lợi.

Thẳng thắn nhận xét rằng các mục tiêu trong luật còn mang tính nghị quyết, chưa cụ thể, ông Lâm Đình Thắng đề nghị thống nhất đầu mối hỗ trợ, cung cấp thông tin, “cơ chế hỗ trợ chỉ cần công bố minh bạch trên cổng thông tin của quốc gia và địa phương là được”.

ĐB Trần Kim Yến thì phản ánh rằng số lượng DN sử dụng đông lao động nữ hoặc do phụ nữ làm chủ khá lớn, Luật đã có chính sách ưu tiên, “nhưng thủ tục để hưởng chính sách ưu tiên nhiêu khê quá, nhiều DN đành bỏ”.

ĐB Trần Hoàng Ngân đồng tình với việc trao cho DNNVV quyền khiếu nại, tố cáo, nhưng bổ sung thêm: “Những DN kê khai sai để hưởng hỗ trợ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý”.

Về dự án Luật Quy hoạch, ĐB Trần Hoàng Ngân Ngân lưu ý, cần đảm bảo tính đồng bộ với Luật Quy hoạch đô thị 2009. “Quy hoạch phải phù hợp với khả năng tài chính thì mới hiện thực hóa được. Vừa qua quá nhiều quy hoạch vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, trở thành quy hoạch treo”.

Theo ĐB, đây cũng chính là lý do cử tri huyện Bình Chánh đề nghị xóa bỏ nhiều quy hoạch treo đã nhiều năm, giúp người dân ổn định cuộc sống, giải phóng nguồn lực để phát triển kinh tế…

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh: “Kinh phí cho hoạt động quy hoạch phải do ngân sách quốc gia chi trả, không nên để các cá nhân, tổ chức tài trợ để đảm bảo tính khách quan”.

Về thẩm quyền quy hoạch, ĐB cho rằng các quy hoạch quy mô quốc gia phải do Quốc hội phê duyệt; quy hoạch liên vùng thì thẩm quyền này thuộc về Chính phủ quy hoạch địa phương do HĐND phê duyệt.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết thì lưu ý đến nội dung tham vấn cộng đồng khi xây dựng, phê duyệt quy hoạch. “Nội dung này chưa cụ thể; cách làm còn hình thức; mới chỉ là một bước để hoàn chỉnh hồ sơ, chứ chưa thực chất. Người dân có ý kiến thì sẽ được tiếp thu thế nào?

Thời gian gửi xin ý kiến trong bao lâu, cách trình bày quy hoạch như thế nào để người dân hiểu được và có thể góp ý?”, bà Văn Thị Bạch Tuyết nêu vấn đề.

ĐB cũng cho rằng cơ sở dữ liệu để làm quy hoạch là yếu tố rất quan trọng và yêu cầu Chính phủ “chuẩn hóa cơ sở dữ liệu nền”.

“Thông tin hiện nay chưa đủ độ tin cậy, nhảy múa vô cùng. Đội ngũ tư vấn làm quy hoạch cũng chưa mạnh, ngay cả tại TPHCM; thể hiện qua chất lượng QH chưa cao, thiếu tính khả thi và ý tưởng đột phá”, ĐB thẳng thắn bình luận.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục