Với công việc của một nhà báo ảnh, Philip Jones Griffiths đã đến hơn 120 quốc gia. Những bức ảnh chụp về cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã đưa tên tuổi phóng viên ảnh người xứ Wales này nổi tiếng khắp thế giới. Bộ sưu tập gồm 47 bức ảnh tiêu biểu có tên “Chất độc da cam ở Việt Nam” của ông vừa được trao tặng cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM. Xúc động hơn, một quỹ từ thiện dành hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam mang tên Philip Jones Griffiths vừa chính thức ra mắt tại TPHCM.
Dấn thân với nghiệp
Nhà báo Philip Jones Griffiths sinh tại Rhuddlan, thuộc vùng Denbighshire ở miền Bắc xứ Wales năm 1936. Ông làm quen với việc chụp hình bằng chiếc máy ảnh Kodak Brownie khi còn nhỏ. Nghiệp cầm máy đã đưa Griffiths đến với hơn 120 quốc gia trên khắp thế giới, chụp ảnh về mọi thứ: từ Phật giáo ở Campuchia, hạn hán tại Ấn Độ, đói nghèo ở Texas, chương trình khôi phục môi trường ở Việt Nam đến hậu quả của cuộc chiến vùng Vịnh tại Kuwait.
Từ năm 1966 đến 1971, ông tới Việt Nam đưa tin cho Hãng Thông tấn Magnum và kết quả của những năm tháng lăn lộn trên chiến trường này là cuốn Vietnam Inc xuất bản năm 1971, tập trung mô tả những nỗi đau mà thường dân Việt Nam phải gánh chịu đã gây sốc cho công chúng Mỹ và thế giới thời đó, làm dấy lên phong trào phản chiến tại Mỹ. Vietnam Inc trở thành nhân tố chủ yếu dẫn đến quan điểm đòi chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa này tại nước Mỹ và đã được tái bản vào năm 2001. Đến nay, đây vẫn được coi là một bộ sách ảnh kinh điển và trở thành thứ được sưu tầm.
Sau Vietnam Inc, ông xuất bản thêm 3 cuốn sách ảnh khác là: Agent Orange (Chất độc da cam) nói về những tác động kinh khủng đối với con người mà chất độc da cam quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gây ra, cuốn Vietnam At Peace (Việt Nam trong thời bình) như một biên niên sử bằng hình ảnh về Việt Nam sau cuộc chiến và cuốn Dark Odyssey (Cuộc hành trình u ám) tập hợp những bức ảnh xuất sắc nhất của ông. Ông đã được Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” năm 2008.
Tấm lòng với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Tiếp nhận bộ sưu tập Chất độc da cam ở Việt Nam của nhà báo Philip Jones Griffiths, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phát biểu: “Những bức ảnh tư liệu của ông Philip Jones đã giúp người Việt và quốc tế hiểu rõ hơn hậu quả của chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra. Cùng với nhiều nhà nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, Philip Jones đã tích cực góp phần lên án tội ác chiến tranh xâm lược, chất độc da cam, đồng thời kêu gọi sự đồng cảm, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Thực hiện tâm nguyện của cha, cô con gái Katherine - đảm nhận Chủ tịch điều hành quỹ từ thiện Philip Jones Griffiths - cho biết: “Lúc sinh thời, cha vẫn thường nói với chúng tôi về Việt Nam và các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Tôi biết ông dành cho các nạn nhân da cam Việt Nam một tình cảm đặc biệt. Ông muốn cho thế giới biết quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc da cam gây độc hại cho người dân Việt Nam như thế nào. Họ đã đền bù cho các cựu binh của họ, còn những nạn nhân như ở Việt Nam thì chưa. Vì sao?”.
Bà Heather Holden, vợ của nhà nhiếp ảnh Philip Jones Griffiths, chia sẻ thêm: “Điều quan trọng là công việc của ông ấy sẽ được ngày càng nhiều người biết đến để sự thờ ơ sẽ không còn nữa. Đây là lý do chúng tôi hy vọng những cuộc triển lãm trưng bày các công trình của Philip và những thành tựu tiếp nối của Quỹ Từ thiện Philip Jones Griffiths sẽ góp phần giúp đạt được mục đích này”.
Minh An