Giám sát và phản biện xã hội là cơ chế đã được thể chế trong Hiến pháp 2013. Đây là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ nhân dân, từ bên ngoài với việc thực hiện quyền lực nhà nước. Vừa qua, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, khi thảo luận về các chương trình hành động của mặt trận nhiệm kỳ tới, rất nhiều ý kiến đã kiến nghị phải xây dựng cơ chế cụ thể hơn với việc kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân qua các kênh, trong đó có MTTQ, tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp mà Hiến pháp đã quy định. Khi trao quyền giám sát cho người dân, pháp luật cũng cần có hệ thống chế tài ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước với việc tiếp thu, trả lời những kết quả giám sát, phản biện từ nhân dân, các tổ chức xã hội.
Theo GS-TS Trần Đông A, một trong những nhiệm vụ quan trọng là mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên cần tổ chức thành nề nếp việc lắng nghe ý kiến của nhân dân định kỳ. Bởi phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của người dân là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền quản lý minh bạch hơn. Thực tiễn đã có nhiều vụ việc chính quyền kịp thời điều chỉnh khi lắng nghe ý kiến xã hội, thể hiện phản ứng nhanh của nhà nước khi lắng nghe ý kiến người dân.
Rõ ràng, trước những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, nhất là trước khi ban hành thành các chủ trương chính sách, nếu lắng nghe ý kiến người dân và có sự tiếp thu thì sẽ tạo sự thống nhất giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trong thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, rất nhiều ý kiến đề nghị trao cho mặt trận quyền được bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ. Thực tế, nhiều chủ tịch HĐND, UBND cảm thấy e ngại trước vấn đề bỏ phiếu tại cơ sở khi mọi vấn đề về năng lực, phẩm chất của cán bộ, nhân dân đều biết. Nhưng hiện nay, việc bổ nhiệm cán bộ thì nhân dân lại ít được tham gia. Nếu mặt trận đại diện cho người dân được quyền bỏ phiếu tín nhiệm, loại bỏ cán bộ, lãnh đạo không đáp ứng được nguyện vọng của mình thì sẽ góp phần giúp người dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý nhà nước, xã hội, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý.
Ngày 23-9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ. Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ: Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Quy định 205-QĐ/TW yêu cầu Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện việc giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện quy định này; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của nhân dân.
Để thực hiện thật tốt Quy định 205-QĐ/TW, vai trò giám sát của người dân là rất quan trọng, bởi không một điều gì có thể qua được tai mắt của dân. Nhưng để phát huy được việc giám sát, như đã đề cập ở trên, đòi hỏi MTTQ cần sâu sát, lắng nghe, kịp thời tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân và phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước.