
Nhiều nông dân huyện Bình Chánh (TPHCM) đang có đất nhưng không được canh tác hay làm nhà, thậm chí muốn bán đất đi nơi khác cũng không được. Quyền lợi người dân bị treo theo các dự án “treo”.
Ruộng bỏ hoang
Nhìn cánh đồng hoang rộng hàng chục hécta, cỏ dại mọc um tùm nằm dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, người làm nông nghiệp không khỏi chạnh lòng, xót xa. Ông Trần Quang Sanh (ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) chua chát kể, gần 10 năm nay, nông dân có ruộng cũng như không. Nhiều nhà phải cắt xén đất - dù biết là trái phép, nhưng không còn cách nào khác vì phải bán đất để kiếm cái ăn.

Đất nông nghiệp giờ là đất hoang. Ảnh: H.V
Đứng trước 5 công ruộng cỏ mọc um tùm, một nông dân bộc bạch: “Cánh đồng bỏ hoang, trong lúc cả nhà thất nghiệp”. Dự án gần 10 năm rồi chưa động tĩnh gì, thiệt hại người dân ai chịu? Nhà cửa hư hỏng, điện phải câu nhờ với giá 3.000 – 5.000 đồng/kwh, giao thông trong ấp dựa vào những con đường đê nhỏ, cầu ván 10 năm nay đã hư hỏng nặng vì… chờ giải tỏa. Một số hộ liều đào ao thả cá nhưng không dám đầu tư lớn vì thấp thỏm sợ giải tỏa.
Không riêng gì ở Bình Chánh nhiều diện tích đất nông nghiệp ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, quận 2… cũng trong tình trạng bỏ hoang tương tự. Nếu không là dự án thì cũng là đất sang nhượng cho người khác đóng cọc bê tông, rào thép gai để đó.
Cần biện pháp mạnh
Bức xúc, một số người lén lút sang nhượng đất (bằng giấy tay) để đi nơi khác hoặc tạo vốn tìm kế sinh nhai. Gia đình ông H. có 8 con cháu đến tuổi lập gia đình, quá bức bách về chỗ ở, ông H. đánh liều cất nhà cho con cháu ra riêng. “Dẫu biết làm như vậy là sai, nhưng gia đình tôi không thể chờ được nữa” – ông H. bày tỏ.
Theo ông Đỗ Văn Kề, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, dự án công viên vui chơi giải trí đa năng, có diện tích 46 ha, do Công ty CPPT Nam Sài Gòn làm chủ đầu tư, kéo dài 6 năm nay vẫn chưa đền bù xong. Dự án khu dân cư cho người thu nhập thấp do Công ty CP Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư đến nay chưa thấy điều tra cơ bản. Dân hỏi, chúng tôi chỉ biết trấn an ráng chờ vì không biết khi nào triển khai.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Lê Minh Huệ cho biết: “Chúng tôi đang rà soát, kiểm tra các dự án đã có quyết định thu hồi đất quá 3 năm, sau đó xác định năng lực đầu tư, nếu không nhanh chóng thương lượng bồi thường giải phóng mặt bằng và có dấu hiệu chuyển nhượng khi chưa đầu tư, sẽ đề xuất thu hồi dự án”.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính riêng Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, UBND TP phê duyệt năm 1999 có 159 dự án đăng ký đầu tư; 70 dự án đã triển khai san nền và xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 82 dự án trong nước đã được giao, thuê đất. Trong số 70 dự án đã triển khai san nền và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉ có 38 dự án xây dựng công trình kiến trúc, chiếm 38% tổng dự án đã được giao thuê đất.
Nguyên nhân triển khai chậm được các ngành chức năng lý giải là do tình trạng giải tỏa đền bù đến đâu, phân lô bán nền đến đó, dẫn đến các dự án chỉnh trang thiếu hoặc không thể thực hiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt. Hơn nữa, trong đền bù giải tỏa, người dân đòi giá thực tế, chủ đầu tư muốn thương lượng nhưng không dám vượt khung nhiều - vì nhà nước không chấp thuận khấu trừ tiền sử dụng đất theo giá đền bù thực tế. TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp nhưng dường như vẫn chưa đủ để không còn tình trạng đất bỏ hoang tồn tại nhiều năm qua.
HỒ VIỆT – HẠNH NHUNG