Quyền lực mềm

Thuật ngữ “quyền lực mềm” đang được người Đan Mạch vận dụng vào cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan. Theo báo Le Monde, Pháp, chính quyền thành phố Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch đã áp dụng chương trình giúp các phần tử cực đoan, thánh chiến tái hòa nhập xã hội từ năm 2013. Đây được xem là chương trình phục hồi chức năng duy nhất cho những người Đan Mạch sau khi tham gia thánh chiến ở Syria và nhiều nước khác trở về.

Thay vì bắt họ và tịch thu hộ chiếu, thành phố Aarhus kêu gọi những người này tự nguyện ra trình diện với chính quyền để được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và tâm lý. Ông Steffen Nielsen, tư vấn phòng chống tội phạm và là thành viên của đội công tác tái hòa nhập những người từng tham gia thánh chiến, nói: “Chúng tôi chào đón họ với vòng tay rộng mở. Chúng tôi muốn giúp đỡ họ hơn là trừng trị”.

Preben Bertselsen, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Aarhus cho rằng, không nên đẩy những người thánh chiến trở về vào đường cùng vì họ có thể “trở thành quả bom hẹn giờ” nếu bị phân biệt đối xử. Nhiều nhân vật chức sắc Hồi giáo ở châu Âu nhận định vấn đề là những người tham gia thánh chiến không hề mang thông điệp của Hồi giáo. Đó chỉ là những cá nhân theo Hồi giáo trẻ tuổi bốc đồng và thường biết rất ít về đức tin của họ. Họ bị kích động từ các clip rao giảng học thuyết cực đoan của các nhóm khủng bố trên Youtube hoặc nghe ngóng các câu chuyện về việc phương Tây xúc phạm người Hồi giáo.

Thay vì phải ngồi tù, những người được áp dụng chính sách tái hòa nhập tại Aarhus có thể được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội trước khi đủ điều kiện sức khỏe và tâm lý để theo học một trường đại học. Cảnh sát và các nhà tâm lý học đã thiết lập cơ chế đối thoại với các tay súng thánh chiến trở về và đảm bảo rằng họ không bao giờ quay lại con đường cũ. Công việc này còn có sự giúp sức của các lãnh đạo Hồi giáo địa phương.

Theo cơ quan tình báo Đan Mạch (PET), hơn 100 người Đan Mạch đã chiến đấu tại Syria kể từ năm 2011. Ở Pháp và Anh, luật pháp được siết chặt để theo dõi chặt chẽ các cá nhân và ngăn chặn hành vi của họ khi tham gia thánh chiến hoặc trở về, đặc biệt thông qua việc tịch thu hộ chiếu và thậm chí tống giam. Tại Bỉ, nước có số lượng cao nhất thanh niên tham gia chiến đấu tại Syria theo tỷ lệ dân số, không chỉ nhắm mục tiêu với các tay súng trở về mà còn có thể truy tố những người cho phép họ ở lại nhà và những người khuyến khích những người khác đi thánh chiến.

Đan Mạch, là một phần của liên minh các quốc gia do Mỹ dẫn đầu cũng áp đặt các biện pháp tương tự nhưng với mô hình “quyền lực mềm” này, Đan Mạch đối mặt với không ít lời gièm pha. Những người chỉ trích cho rằng phương pháp này là nguy hiểm. Ông Mehdi Mozaffari, chuyên gia về phòng chống tội phạm, cho rằng chương trình được thiết lập ở Aarhus đang đi đúng hướng nhưng sẽ không có tác động đáng kể nếu không được áp dụng ở quy mô lớn hơn, cụ thể là các quốc gia khác hoặc thậm chí chỉ là trong EU.

Ông Jacob Bundsgard, thị trưởng Aarhus thuộc đảng Dân chủ xã hội nói: “Chúng tôi nỗ lực để đưa họ trở lại với xã hội và chắc chắn rằng con đường cực đoan của họ sẽ thay đổi. Họ có thể là một phần tích cực của xã hội”.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục