Trong lĩnh vực giải trí hiện nay, đôi khi cả phóng viên, nghệ sĩ lẫn khán giả đều hoặc vô tình hoặc cố ý trở thành con rối, mặc cho các đại gia truyền thông, thông qua cái gọi là hoạt động PR giật dây. Tất nhiên, đằng sau những cú giật dây ấy là cả một câu chuyện dài.
Phải thừa nhận một thực tế, hiện nay, mối quan hệ giữa PR (public relation) và báo chí (trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì mảng văn hóa văn nghệ) đã phát triển rất sâu rộng. Những tin bài có nội dung thông tin lấy từ các buổi họp báo, các thông cáo báo chí, các hoạt động PR... chưa ai thống kê được nhưng chắc chắn đã và đang chiếm tỷ lệ đáng kể trên rất nhiều tờ báo.
Trong một xã hội thông tin mà đâu đâu cũng xuất hiện bóng dáng nhân viên PR thì việc PR trở thành kênh thông tin đắc lực cho các phóng viên cũng là chuyện bình thường, dễ hiểu. Bản thân hoạt động PR không có gì xấu, nhưng trong đặc thù của showbiz Việt hiện tại, đôi khi nó biến dạng khó lường.
Đặc biệt, khi các trang thông tin mạng nở rộ vô tội vạ, quyền lực của PR càng được đẩy lên một cách khó kiểm soát. Quyền lực ấy, buồn thay không phải xuất phát từ sức nặng thông tin nó truyền tải mà đa phần bắt nguồn từ những yếu tố khác, ngoài thông tin mà dẫu không nói ra, ai cũng hiểu!
Cứ sau một cuộc họp báo, ngay ngày hôm sau trên khắp các trang thông tin điện tử những lời ngợi ca, tâng bốc xuất hiện. Lúc đầu, còn có sự tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần hai bên cùng có lợi, lâu dần nghệ sĩ và các công ty truyền thông, những “phù thủy” PR giấu mặt cũng nhận ra và bắt đầu nắm thóp điều khiển truyền thông. Với tốc độ lan truyền chóng mặt cũng như khả năng tạo “bão” dư luận như hiện nay, các trang thông tin mạng mới là đích ngắm của các “phù thủy” PR, để từ đó họ tung hỏa mù, dẫn dắt ngược lại dư luận, thậm chí cả dư luận chính thống.
Đó cũng là nguyên nhân quan trọng hình thành một thị trường thông tin giải trí nhưng đại bộ phận chỉ nghiêng hoàn toàn về khoe dáng, khoe mông, khoe ngực, khoe nhà, khoe xe, khoe thân và cả khoe mẽ; những trận cãi vã “long trời lở đất” hay những scandal liên miên của các chương trình truyền hình thực tế mà phía sau đều ẩn chứa những trò giật dây có chủ đích của một vài “phù thủy” PR và đương nhiên phía sau những “phù thủy” ấy đều là những nhân vật hoặc những đại gia truyền thông đình đám của showbiz Việt.
Chính vì biết rõ “quyền lực” của mình nên không ít “ông trùm” truyền thông tự tin đến mức chỉ sợ không nghĩ ra được scandal chứ không sợ không có nơi phát tán thông tin đó. Hay có ngôi sao ca nhạc từng thẳng thừng tuyên bố chỉ cần vài trăm ngàn đồng là đủ “mua” được phóng viên một tờ báo. Mới đây nhất, vụ một “đại gia” trong giới giải trí sau khi đưa một số “gà” đi Thái Lan đã gửi thông cáo báo chí đến một số cây bút trang mạng “chỉ đạo” viết thế nào, giật tít ra sao gây bức xúc trong giới phóng viên. Chưa kể, chuyện phóng viên dự họp báo về chưa kịp viết tin bài hoặc không viết vì thông tin không phù hợp thì nhân viên PR gọi nhắc như nhắc tuồng gần như là “chuyện thường ngày ở huyện” trong showbiz Việt.
Trong nhiều giáo trình dạy viết báo, cả ở phương Tây, vẫn luôn dành thời lượng để hướng dẫn cách xử lý thông tin từ các thông cáo báo chí, cách viết tin PR... hẳn nhiên coi PR là một kênh tiếp cận, cung cấp thông tin cần khai thác. Tuy nhiên, thực tế hoạt động nghề nghiệp lẫn giáo trình cũng luôn cảnh báo những người viết báo, những sinh viên khoa báo chí, đừng để biến mình thành công cụ của hoạt động PR. Nếu có phục tùng quyền lực PR, hãy phục tùng vì sức nặng và ý nghĩa thông tin mà chúng mang đến cho xã hội chứ đừng phục tùng vì những mục tiêu khác.
GIA BÌNH