Quyết liệt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tết

.
Quyết liệt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tết

Báo SGGP ngày 9-12 có bài viết “Gần Tết Nguyên đán: Xuất hiện nhiều cơ sở chế biến mất vệ sinh”, phản ánh nhiều cơ sở, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TPHCM.

Quyết liệt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tết ảnh 1

Bày bán thực phẩm cạnh công trường xây dựng. Ảnh: B.NGỌC

- PV: Còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao, vấn đề mất VSATTP trong các khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm sẽ khó tránh khỏi. Xin ông cho biết ngành đã có những biện pháp nào để ngăn chặn?

Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA: Chiều 13-12, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP TPHCM đã ký kế hoạch 6883/BCĐLN-VSATTP gửi sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND các quận, huyện về việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Tân Mão. Theo đó, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra chuyên ngành và liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết tịch thu tiêu hủy các nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm không đạt VSATTP.

- Cụ thể kế hoạch kiểm tra như thế nào và sẽ tập trung vào những vi phạm nào?

Quá trình kiểm tra sẽ diễn ra trong ba đợt. Đợt 1: Sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra việc chăn nuôi, vận chuyển, các cơ sở giết mổ (đặc biệt là gia cầm); các quầy kinh doanh thịt - thủy sản tươi sống, rau củ quả tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Đợt 2: Kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng thực phẩm khô, nước giải khát (bánh, mứt, lạp xưởng, vịt lạp…); đặc biệt sẽ kiểm tra kỹ nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu và việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Đợt 3: Thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, phân phối các loại thực phẩm, sẽ tập trung kiểm tra các điểm kinh doanh gia cầm sống như chợ, cửa hàng, siêu thị, khu ẩm thực, dịch vụ ăn uống.

Nội dung kiểm tra gồm: Các thủ tục hành chính như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện VSATTP, hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kết quả xét nghiệm định kỳ nguồn nước, giấy chứng nhận sức khỏe, tập huấn kiến thức VSATTP của chủ cơ sở và nhân viên… Mặt khác, kiểm tra trang thiết bị sản xuất, vệ sinh trong chế biến, bảo quản, phân phối thực phẩm, thực hiện việc ghi nhãn mác, thực hiện các test nhanh phục vụ công tác kiểm tra. Sẽ lấy mẫu gởi phòng thí nghiệm để xét nghiệm khi thấy cần thiết. Các cơ quan chức năng và ngành y tế sẽ chỉ đạo và kiểm tra quyết liệt để hạn chế tối thiểu sản phẩm không đạt chất lượng “lọt” ra thị trường.

- Hiện nay là thời điểm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thời vụ phát sinh nhiều, vậy đội ngũ cán bộ, nhân viên và trang thiết bị hiện có đảm bảo mang lại hiệu quả trong công tác kiểm tra?

Vào thời điểm gần tết các cơ sở sản xuất thời vụ mọc lên rất nhiều, trong khi nhân viên có hạn nên ngành y tế và các đơn vị chức năng cũng gặp không ít khó khăn trong công tác kiểm tra. Tuy nhiên, để khắc phục việc này, ban chỉ đạo liên ngành đã phối hợp nhiều đoàn liên ngành, cơ sở cấp dưới để hỗ trợ. Bên cạnh đó, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao, các đơn vị, đoàn liên ngành phải theo dõi, chuẩn bị kỹ trước khi đột nhập kiểm tra. Về phương tiện kiểm tra, theo chúng tôi là tương đối đầy đủ, đảm bảo để xử lý, test và lấy mẫu.

- Ngoài công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng?

Người dân tránh sử dụng thực phẩm khi thấy không đảm bảo chất lượng. Thường xuyên theo dõi báo đài để nắm thông tin về tình hình dịch cúm để có cách phòng tránh khi mua thực phẩm sử dụng ăn uống.

- Xin cảm ơn ông!

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục