Câu chuyện UBND quận 7 phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án khu dân cư Riviera Point mà “bỏ quên” hồ điều tiết sau khi lấp rạch, không thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM đã đến hồi quyết liệt. Điều này được thể hiện qua văn bản chỉ đạo mới nhất của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa: “Phải tổ chức kiểm điểm cá nhân, phòng ban có liên quan đã để xảy ra sai sót khi thẩm định phê duyệt dự án”, đồng thời “phải xây hồ điều tiết”.
Sở dĩ gọi là quyết liệt, bởi đây là vụ việc không hề nhỏ. Cụ thể, năm 2007, UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận 7 cho phép chủ đầu tư lấp 4.688m2 rạch, nhưng phải làm lại hồ điều tiết bằng 1,2 lần diện tích rạch bị lấp, tức là 5.625m2. Sau đó khi phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án, UBND quận 7 cho phép lấp rạch nhưng lại yêu cầu không đề cập đến việc xây hồ điều tiết. Sự cố “quên” này sẽ dẫn đến tác hại như thế nào? Thứ nhất, về mặt chính quyền là pháp luật không nghiêm, tức là cấp dưới không tuân mệnh lệnh cấp trên. Thứ hai, về mặt xã hội, đây là một “cú sốc” cho công cuộc chống ngập, trong khi toàn TP nỗ lực chống ngập thì lại xảy ra chuyện làm ngơ cho việc lấp rạch, nguyên nhân chính dẫn tới gây ngập nước. Thứ ba, “vô tình” mang lại nguồn lợi bất chính cho chủ đầu tư: nếu lấy giá đất nông nghiệp trong khu vực không dưới 20 triệu đồng/m2, thì ngần ấy diện tích đất lấp rạch giả dụ đem bán đi sẽ mang lại cả trăm tỷ đồng! Tính từ khi Báo SGGP đăng bài Lấp rạch làm dự án Nam Sài Gòn: con voi chui tọt lỗ kim (số ra ngày 15-5-2015), đến nay đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo, báo cáo, kết luận: 3 văn bản của UBND TPHCM, 1 văn bản của Thanh tra TP, 1 văn bản của Sở Giao thông Vận tải TP, văn bản của UBND huyện Nhà Bè… Nhìn chung, văn bản chỉ đạo mới nhất của UBND TP đã thể hiện cương quyết làm thẳng sự vụ, truy đến nơi đến chốn!
Chưa hết, liên quan đến dự án này còn một việc khác, cái gọi là “đường tạm”. Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc đi lại, giao dịch, năm 2013 Sở Giao thông Vận tải cho phép chủ đầu tư kết nối với dự án ra đường Phú Thuận bằng đường tạm N1. Tất nhiên con đường này không có trong bản phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án! Từ chủ trương “đường tạm”, chủ đầu tư dần dần làm thành con đường quy mô, tráng nhựa kiên cố, hai chiếc ô tô chạy tránh nhau vô tư; đến nay trở thành tuyến đường chính đi vào dự án. Điều khiến người dân bức xúc chính là con đường tạm này băng qua một con rạch, chủ đầu tư lấp rạch và đặt cống hộp thoát nước. Từ khi đường tạm hình thành, người dân ở khu vực lãnh đủ vì ngập, nguyên nhân cống hộp quá nhỏ, không đủ tiết diện để thoát nước nhanh như trước đó. Chủ đề ngập trở thành nỗi bức xúc của cư dân nơi đây, phản ánh lên chính quyền, nhưng thực tế không đổi thay. Điều trớ trêu, cho đến nay các lốc chung cư xây đã xong, dự án đã và đang bán cho khách hàng, có cư dân vào ở, thế nhưng không ai xác định được khi nào vai trò lịch sử của đường tạm kết thúc. Dĩ nhiên, cũng không biết đến khi nào mới xóa đường tạm, móc bỏ cống hộp để trả lại dòng chảy thông thoáng theo tự nhiên, xóa đi ngập nước - đồng nghĩa xóa đi sự bức xúc của người dân.
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TPHCM, hai vấn đề lớn từ câu chuyện dự án khu dân cư Riviera Point sẽ được giải quyết rốt ráo. Chấn chỉnh sự thiếu nghiêm minh trong quản lý đô thị là hết sức cần thiết, đó chính là nền tảng để phát triển đô thị văn minh hiện đại, bền vững.
LƯƠNG THIỆN