(SGGP).- Sau 3 tuần Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 15-3, Thường trực Chính phủ đã họp, nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện nghị quyết này.
Thực tế, ngay sau khi ban hành, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Chính phủ đã họp triển khai nghị quyết này; sau đó các bộ ngành, địa phương đều đã đồng loạt triển khai với việc xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đến nay, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động hiện đã ít biến động so với cuối tháng 1-2011, lãi suất huy động VND bình quân ở mức 13,04%/năm. Lãi suất cho vay tăng khoảng 0,5%-1% so với cuối tháng 1-2011, lãi suất cho vay VND bình quân ở mức 16,23%/năm. Lãi suất huy động bằng USD cũng tương đối ổn định so với tháng 1-2011. Xuất khẩu tăng khá mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1-2011 ước đạt 5,4%-5,6%. Những chính sách an sinh xã hội vẫn được duy trì. Đặc biệt, tác động trong điều hành về lãi suất, tỷ giá, kinh doanh vàng thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện khá rõ trên thị trường: tỷ giá và giá vàng đã có xu hướng ổn định hơn, có thời điểm giảm so với trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế nói chung vẫn còn tồn tại những khó khăn như vĩ mô chưa ổn định, mặt bằng lãi suất tín dụng ở mức cao, giá cả tiếp tục biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân...
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương khi triển khai Nghị quyết 11, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện nghị quyết, vấn đề nổi lên là việc quản lý ngoại tệ, vàng, cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu cần thiết của nhân dân, doanh nghiệp. Cho rằng tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, cần quyết liệt thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chống hiện tượng USD hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối. Kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh USD trái pháp luật. Tuy nhiên, đi với những vấn đề đó phải đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý; đảm bảo đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành quyết liệt trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. Cương quyết chỉ đạo cắt giảm đầu tư công, những khoản chi chưa cần thiết phải dừng lại; cương quyết chỉ đạo tiết kiệm điện. Thực hiện tốt kiểm soát giá cả, cần thiết lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát giá cả, kiểm soát việc mua bán ngoại tệ, thị trường vàng, không để đầu cơ tăng giá, không để thiếu hàng nhất là những hàng hóa thiết yếu. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội...
L. NGUYÊN