Quyết ngăn chặn virus cúm xâm nhập, lây lan sang người

Ngày 23-2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện các bộ ngành chức năng, đại diện của WHO, FAO và lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước.
Quyết ngăn chặn virus cúm xâm nhập, lây lan sang người

(SGGPO).- Ngày 23-2, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện các bộ ngành chức năng, đại diện của WHO, FAO và lãnh đạo 63 tỉnh thành trong cả nước.

PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết hiện nay dịch cúm gia cầm và cúm ở người đang có những diễn biến phức tạp. Trong đó dịch cúm A/H7N9 tiếp tục gia tăng số người mắc và tử vong, đến nay đã ghi nhận 360 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại 14 tỉnh/thành phố của Trung Quốc và 67 trường hợp tử vong. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp với biên giới phía Bắc của Việt Nam đã ghi nhận cả người và gia cầm mắc virus cúm A/H7N9 khiến nguy cơ virus nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch rất lớn. Trong nước hiện nay đã có 64 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở 17 tỉnh thành và đã ghi nhận 2 ca tử vong do nhiễm virus cúm H5N1 từ gia cầm. Đáng lo ngại hơn, tại nhiều  địa phương, người dân vẫn rất chủ quan trước những mối nguy hiểm do virus cúm gia cầm gây ra khi tình trạng vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết vẫn diễn ra khá phổ biến.

Lực lượng chức năng chuẩn bị tiêu hủy gia cầm nhập lậu bị bắt giữ
Lực lượng chức năng chuẩn bị tiêu hủy gia cầm nhập lậu bị bắt giữ


Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ các đơn vị y tế chức năng cần tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu, các bệnh viện và các điểm giám sát trọng điểm cúm quốc gia nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm ở người để xử lý kịp thời ổ dịch và xác định sự lưu hành của các chủng virus cúm, sự biến đổi gen của virus cúm để kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng để phòng chống, ngăn chặn dịch cúm ở người và cúm gia cầm, bản thân ngành y tế không thể làm được mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTTN và các bộ, ngành chức năng khác. “Không có cúm trên gia cầm thì không sự lây lan và dịch cúm trên người. Tuy nhiên khi đã có dịch cúm trên gia cầm rồi thì cả ngành y tế và nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất để giám sát nghiêm ngặt diễn biến của dịch bệnh, khống chế kịp thời ổ dịch hạn chế lây lan. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới mọi người dân, mọi cấp chính quyền về các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống cúm…”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Trong khi đó, TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nêu rõ, hiện nay dịch cúm A/H7N9 đang là hiểm họa đối với Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực, khả năng ứng phó đối với dịch bệnh nguy hiểm. Nguy cơ virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập lây nhiễm vào Việt Nam là không hề nhỏ nhưng vấn đề quan trọng là phải xác định rõ còn đường lây nhiễm xâm nhập của loại virus này.

TS Takeshi Kasai đã chỉ rõ 2 tình huống mà virus cúm H7N9 có thể xâm nhập vào Việt Nam, đó là: Ca bệnh H7N9 từ bên ngoài vào Việt Nam (như trường hợp một người ở Malaysia sau khi đi du lịch Trung Quốc và trở về nước đã bị nhiễm virus cúm A/H7N9) và gia cầm nhiễm cúm H7N9 được nhập lậu, vận chuyển vào Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại ở đây chính là việc gia cầm nhiễm virus cúm H7N9 lại không hề có những biểu hiện mắc bệnh nên việc phát hiện rất khó.

Trước nguy cơ trên, TS Takeshi Kasai nhấn mạnh, ngành y tế và ngành thú y phải có sự phối hợp chặt chẽ để giám sát ngăn chặn sự xâm nhập cúa virus cúm A/H7N9, tăng cường truyền thông rộng rãi và triển khai các biện pháp ứng phó nhanh. Đối với dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp ở trong nước, WHO khuyến nghị biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là tăng cường truyền thông tới cộng đồng thực hiện nghiêm túc các biện pháp dự phòng cơ bản như: Rửa tay bằng xà phòng; Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; Không vận chuyển, kinh doanh, giết mổ và sử dụng gia cầm ốm chết.

 Trà Vinh: Phát hiện ổ cúm gia cầm H5N1

Sáng 23-2, ông Nguyễn Văn Đoái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Trà Vinh, cho biết, chiều 22-2, chi cục đã lấy mẫu trên 22 đàn vịt (3.900 con) ở ấp An Thạnh, xã Tân Bình, huyện Càng Long (Trà Vinh); trong đó, phát hiện đàn vịt 2.600 con của hộ ông Trương Văn Út Lớn mắc bệnh cúm H5N1 và chi cục đã tiêu hủy 803 con; đàn vịt 1.300 con hộ ông Phan Văn Minh cũng mắc bệnh cúm H5N1, đã tiêu hủy 137 con (vịt thịt).

Đình Cảnh


Phục hồi các đội tiêm vaccine lưu động

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để bảo đảm cho kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi trên toàn quốc từ tháng 2 tới tháng 4-2014 được thực hiện thành công, các địa phương nhất là ở vùng núi phía Bắc cần phải phục hồi ngay và duy trì hoạt động của các đội tiêm vaccine lưu động tới từng thôn bản và gia đình tổ chức tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ. 
 
Kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccine sởi trên toàn quốc nhằm kiểm soát dịch sởi, khẩn trương khống chế dịch và giảm số ca mắc và biến chứng do sởi khi dịch bệnh nguy hiểm này đang tái bùng phát tại nhiều địa phương.

Đối tượng tiêm vaccine đợt này là trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine sởi theo lịch tiêm chủng và đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo quy định.

Bộ Y tế đặt ra mục tiêu đợt này sẽ tiêm vaccine sởi cho hơn 95% các đối tượng nêu trên.


NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục