Chúng tôi đến thăm Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 trú đóng tại tỉnh Quảng Nam đúng lúc nhiều cán bộ, chiến sĩ vừa trở về đất liền sau một tháng đi biển…
Đại tá Nguyễn Quang Trung, Chỉ huy trưởng Vùng CSB 2, cho biết: “Đa số cán bộ, chiến sĩ CSB đều còn rất trẻ, được đào tạo bài bản từ Học viện Hải quân và Học viện Chính trị nên đều quán triệt tốt tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh cách mạng vững vàng, chấp hành tốt mệnh lệnh cấp trên, luôn biết kiềm chế trước hành động khiêu khích của Trung Quốc, nhờ vậy không bị mắc mưu kẻ xấu…”.
Về trận đụng độ trực tiếp với tàu Trung Quốc lúc 9 giờ sáng ngày 16-5-2014, đại úy Đặng Lê Sơn, Thuyền trưởng tàu CSB 2015 kể lại: “Khi tàu CSB Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 chỉ cách cự ly khoảng 5,5 hải lý thì Trung Quốc cho 3 tàu có trọng tải lớn 3.000 tấn vây ép tàu CSB 2015. Trung Quốc ra lệnh cho tàu 3411 vây ép mạn phải và tàu 46001 vây ép mạn trái tàu CSB 2015 của chúng tôi. Sau khi dùng hai tàu lớn vây ép, Trung Quốc ra lệnh cho một tàu vỏ sắt nhỏ lao thẳng vào tàu CSB 2015 khiến tàu bị hư hỏng nặng...”. Không chùn bước, đồng chí Sơn ra lệnh cho các chiến sĩ CSB trên tàu giảm tốc độ, khéo léo lùi lại phía sau để tránh tàu Trung Quốc lao vào. Sau khi thoát khỏi vòng vây đối phương, tàu CSB 2015 lại tiếp tục tìm hướng khác tiếp cận mục tiêu. Cứ thế, các chiến sĩ CSB 2 vẫn kiên cường bám biển. Các anh chỉ trở về đất liền để sửa chữa lại tàu và tiếp thêm nhiên liệu rồi lại cấp tốc ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thượng úy Đỗ Vũ Hiệp, Chính trị viên tàu CSB 2015 cho biết: “Tàu CSB Việt Nam đã có mặt ngay từ khi tàu Trung Quốc xuất hiện và đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của ta, CSB Việt Nam đã dùng loa kêu gọi yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam nhưng họ đã dùng vòi rồng cực mạnh phun vào tàu ta, đồng thời dùng nhiều tàu khác vây ép rồi cho tàu sắt đâm thẳng vào tàu ta. Dẫu vậy, các chiến sĩ CSB vẫn bình tĩnh, tự tin và luôn kiềm chế để không mắc mưu họ…”. Sĩ quan trẻ Trương Quang Trung nói: “CSB chúng tôi luôn tự tin vì xác định rõ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là thiêng liêng. Chúng tôi vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác, và xác định nếu cần phải hy sinh cho Tổ quốc, chúng tôi luôn sẵn sàng…”.
Nếu như trên đất liền bộ đội phải chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thì trên biển lực lượng CSB Việt Nam phải bảo vệ từng hải lý. Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Hải đội trưởng chỉ huy quân sự, tuy còn rất trẻ nhưng đã là người chỉ huy cả biên đội tàu CBS gồm 2 đến 3 tàu CSB. Với bản lĩnh kiên cường của người lính biển, anh tự hào: “Cán bộ, chiến sĩ trên tàu chúng tôi đều đoàn kết một lòng, hỗ trợ lẫn nhau, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ để chống lại lực lượng đối phương vừa đông, vừa mạnh, vừa hung hăng cản phá ta quyết liệt…”.
Thượng úy Ngô Thái Cảnh, Thuyền trưởng tàu 9002, nêu cao quyết tâm: “Các chiến sĩ Vùng CSB 2 chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc lên trên hết, vì vậy ai cũng vững vàng, tự tin, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh…”. Tại Vùng CSB 2, trong khó khăn đã xuất hiện nhiều gương sáng. Điển hình là Thượng úy Lê Trung Thành, Thuyền trưởng tàu CSB 4033, dù mẹ bị bệnh nặng đang phải cấp cứu tại bệnh viện nhưng anh vẫn nén tình riêng để lên đường làm nhiệm vụ. Thiếu úy Nguyễn Văn Toản, Chính trị viên tàu CSB 2012, mới cưới vợ được 3 ngày cũng tạm xa người vợ trẻ để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Nhiều chiến sĩ khác như Trịnh Văn Tuấn, Vũ Xuân Tiến, Phạm Xuân Hùng, Nguyễn Thành Công, Hồ Trung Sơn, Phạm Văn Doanh, dù mỗi người một hoàn cảnh, nhưng ai nấy đều chung tinh thần yêu nước mãnh liệt và quyết tâm bám biển cao độ. Các anh thật xứng đáng với niềm tin yêu, ngưỡng mộ và tự hào của hàng triệu trái tim người dân nơi đất liền đang hàng ngày dõi theo với tất cả niềm kỳ vọng lớn lao.
MINH NGỌC