Quyết tâm thay đổi

Quyết tâm thay đổi

Tờ Japan Times dẫn nguồn từ Cục Khảo thí giáo dục Nhật Bản cho biết, trong số 30 quốc gia châu Á tổ chức thi TOEFL vào năm 2015, Nhật Bản xếp gần chót bảng, chỉ đứng trên Afghanistan, Campuchia, Tajikistan và Lào. Trong khi đó, Hàn Quốc, nơi tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học từ năm 1997, xếp thứ 10; Trung Quốc xếp thứ 17... riêng kỹ năng nói, Nhật Bản xếp cuối bảng.

Học sinh tiểu học ở Nhật Bản trong một tiết học tiếng Anh

Việc giảng dạy tiếng Anh ở các trường học của Nhật Bản trải qua một cuộc cải cách lớn khi chính phủ nước này đang cố gắng chiêu hiền đãi sĩ và thay đổi chương trình dạy sớm nhất vào năm 2020, lúc các trường tiểu học công lập áp dụng việc dạy tiếng Anh như một môn học bắt buộc. Theo đó, tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 5-6, thay vì là giờ hoạt động ngôn ngữ nước ngoài, học sinh chỉ làm quen với tiếng Anh qua kỹ năng nghe và nói. Thay đổi này cũng làm tăng gấp đôi số tiết học tiếng Anh từ 35 tiết/năm lên 70 tiết/năm. Ngoài ra, theo một đề án được công bố hồi tháng 8 vừa qua, 2 kỹ năng nghe và nói cũng được chú trọng hơn, các lớp học tiếng Anh lâu nay tập trung vào ngữ pháp và từ vựng nên Bộ Giáo dục Nhật Bản đề xuất chú trọng dạy học sinh cách biểu đạt trong những trường hợp khác nhau. Quyết định này được đưa ra vì hệ thống dạy và học tiếng Anh hiện tại không đạt được mục tiêu của chính phủ trong việc giúp học sinh thành thạo ngôn ngữ này ở mức có thể tranh luận và đàm phán bằng tiếng Anh. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, chất lượng các giờ học tiếng Anh rất khác nhau giữa các trường và nhiều học sinh phải tìm đến các trung tâm dạy thêm để lấp đầy khoảng trống đó. Nên việc coi môn tiếng Anh như một môn học bắt buộc sẽ thu hẹp khoảng cách này vì họ sẽ sử dụng cùng một bộ sách giáo khoa. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng thay đổi này sẽ giúp việc học tiếng Anh trình độ cao hơn ở trường trung học sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, những thảo luận về vấn đề dạy và học tiếng Anh cho thấy, nhiều người vẫn phản đối việc dạy tiếng Anh ở trường tiểu học, vì họ cho rằng nó sẽ khiến trẻ em nhầm lẫn với tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, giới giáo viên tiểu học cũng tỏ ý lo ngại về một số khó khăn, theo cách học hiện tại. Hầu hết phải thuê người bản ngữ hoặc người Nhật có đủ khả năng để hỗ trợ giáo viên tiểu học, đôi khi những người hỗ trợ này lại đóng vai trò chính. Khi tiếng Anh trở thành môn học chính thức vào năm 2020, thì giáo viên chính phải là người điều hành lớp học. Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, chỉ có 4,9% giáo viên tiểu học được cấp bằng để dạy tiếng Anh. Dù Chính phủ Nhật Bản dự kiến đến năm 2018 sẽ có 1.000 giáo viên tiếng Anh đủ trình độ để đào tạo lại cho các giáo viên khác, nhưng con số này vẫn chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu khoảng 144.000 giáo viên vào năm 2020.

PHƯƠNG AN

Tin cùng chuyên mục