Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng :

Quyết tâm thực hiện 10 giải pháp ngăn chặn tham nhũng

Quyết tâm thực hiện 10 giải pháp ngăn chặn tham nhũng
Quyết tâm thực hiện 10 giải pháp ngăn chặn tham nhũng ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) đặt câu hỏi: “Luật Phòng chống tham nhũng sắp được Quốc hội thông qua. Vậy trong thời gian sắp tới, Chính phủ có thể hiện được vai trò của một tổng tư lệnh trong ngăn chặn tham nhũng hay không?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp phòng chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực: hành chính, pháp luật, kinh tế, xã hội và xây dựng Đảng... Nhưng nhìn chung, tham nhũng chưa bị đẩy lùi, còn rất nghiêm trọng, lĩnh vực nào cũng có gây bức xúc cho nhân dân, xã hội”.

Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã và sẽ thực hiện 10 giải pháp với quyết tâm cao. Thứ nhất, Chính phủ luôn chỉ đạo rà soát bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, thể chế để nền kinh tế vận động ngày càng thông thoáng theo định hướng XHCN. Mặt khác, thể chế, chính sách cũng được sửa đổi theo hướng “phân cấp nhiều hơn” cho cơ sở thông qua thanh tra, kiểm tra.

Thứ hai, Chính phủ luôn chỉ đạo rà soát để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ công chức có lương tâm, trách nhiệm với công việc, nhân dân.

Thứ tư, Chính phủ sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư theo hướng công khai, minh bạch.

Thứ năm, Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt việc thu - chi ngân sách, sử dụng tài sản công, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản...

Thứ sáu là đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN theo hướng công ty cổ phần.

Thứ bảy, khuyến khích nhân dân và báo chí phát hiện các hành vi tham nhũng.

Thứ tám, sẽ xử lý nghiêm minh các vụ việc đã được phát hiện.

Thứ chín, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, tổ chức cơ sở Đảng, tạo điều kiện để cán bộ công chức tự đấu tranh, phát hiện tham nhũng ngay trong đơn vị.

Cuối cùng , Chính phủ sẽ triển khai tốt hơn đề án cải cách tiền lương cho các giai đoạn tiếp theo sớm hơn, để giúp cán bộ công chức vượt qua được nguy cơ tiêu cực.  Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ triển khai một số giải pháp khác như hạn chế sử dụng tiền mặt, kê khai tài sản, định rõ trách nhiệm người đứng đầu...

Cũng liên quan đến vấn nạn tham nhũng, lãng phí, đại biểu Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) muốn nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu. Theo bà, trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu chưa được bảo đảm đã làm hạn chế nhiều tới việc quy trách nhiệm người đứng đầu.

Chẳng hạn, bộ trưởng, Chủ tịch UBND, giám đốc DNNN không được tự chọn cấp phó của mình trong khi phải chịu toàn bộ trách nhiệm, hậu quả do cấp phó gây ra. Vậy quyền hạn và trách nhiệm thực sự của người đứng đầu như thế nào? Phó Thủ tướng đặt lại câu hỏi : “Người đứng đầu có thực hiện kiểm tra, thanh tra để phát hiện trong nội bộ có tham nhũng không? Có phát hiện mới thay đổi cán bộ được.

Có vụ nào người đứng đầu phát hiện cấp phó của mình không hoàn thành nhiệm vụ, tiêu cực rồi đề nghị mà cấp thẩm quyền không xem xét không?”. Phó Thủ tướng cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị định quy định trong tổng công ty nhà nước, HĐQT có quyền bổ nhiệm, thuê, hợp đồng với tổng giám đốc. Tổng giám đốc có quyền đề xuất và quyết định phó tổng giám đốc. Theo Phó Thủ tướng, đây là một bước cải cách. Còn trong hệ thống chính trị, một nguyên tắc căn bản là cán bộ cấp nào thuộc quyền tập thể cấp uỷ cùng cấp quyết định. Đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. 

Trong phần giải trình bằng văn bản do các đại biểu Quốc hội gửi gồm 10 vấn đề nêu ở phần đầu, Phó Thủ tướng đã trình bày 3 nội dung quan trọng, bức xúc nhất hiện nay. Nội dung đầu tiên được đề cập là giải pháp nào ngăn chặn đại dịch cúm gia cầm và sự lây lan dịch cúm sang người ? Phó Thủ tướng cho biết, để đối phó với đại dịch H5N1 trong mùa đông này, Chính phủ đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp. Các Phó Thủ tướng đã và sẽ trực tiếp đến từng địa phương để đôn đốc, kiểm tra việc triển khai kế hoạch phòng chống đại dịch. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi 1.500 tỷ đồng để chuẩn bị vật tư, phương tiện, thuốc men sẵn sàng cho cuộc phòng chống đại dịch cúm ở người.

Giải trình về những băn khoăn, lo lắng của cử tri về tình hình trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ lớn trong năm 2006: Phải lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của nhân dân để kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế và cải cách thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực. Thứ hai, tập trung giải quyết nhanh, sớm khiếu nại, tố cáo của nhân dân, không để oan sai cho dân, trước tiên là trong lĩnh vực đất đai. Trả lời các đại biểu Quốc hội về chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2006, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội bằng một Nghị quyết về chương trình, kế hoạch hành động gồm hơn 100 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Tin cùng chuyên mục