Không lâu sau khi xuất bản Mùa xuân vắng lặng (Phương Nam Book và NXB Thế giới ấn hành), Rachel Carson xuất hiện trước Thượng viện để điều trần. Bà không chỉ nhấn mạnh những tác hại về môi trường của thuốc diệt sinh vật gây hại như đã vạch ra trong sách, mà còn đề xuất những thay đổi cần thiết về mặt chính sách.
Nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế và thịnh vượng kéo dài. Tuy vậy, cuộc chiến tranh lạnh căng thẳng làm nước Mỹ gánh chịu một áp lực nặng nề. Ở nước Mỹ thời hậu chiến, khoa học là Thượng đế.
Nền công nghiệp hóa chất là kẻ thụ hưởng rõ rệt nhất những thành quả kỹ thuật thời hậu chiến, cũng như nhận được thiện cảm của xã hội. Các nhà hóa học xuất hiện trước đám đông như những vị thánh trong áo choàng trắng, mẫn cán làm việc đem lại lợi ích cho cộng đồng. Khoa học - kỹ thuật đã đi trên một quỹ đạo nhanh hơn trách nhiệm luân lý của con người.
Cuốn sách đã bày tỏ sự quan ngại to lớn khi chính phủ Mỹ cho phép việc sử dụng tràn lan những hóa chất độc hại. Số lượng các loài chim cũng giảm rõ rệt. Ảnh hưởng lên con người chưa bao giờ được điều tra, và sự thiệt hại của thế giới côn trùng - những loài cần thiết cho sự vận hành lành mạnh của toàn hệ sinh thái - hầu như cũng không được ghi nhận. Tóm lại, mức độ thiệt hại về môi trường sau vụ này là đáng sợ.
Ngoài việc phân tích những câu chuyện thực tế như trên, Mùa xuân vắng lặng được viết dễ hiểu và dễ tiếp cận. Sách mô tả các loại thuốc trừ sâu hữu cơ phốt pho và clo hữu cơ đã làm thay đổi chu kỳ tế bào của cây cối, động vật, và ngay cả con người như thế nào. Tác giả cũng khéo léo so sánh hóa chất độc hại với chất thải phóng xạ, một chủ đề khá cấp thiết với đại chúng lúc bấy giờ.
Carson tin rằng sức khỏe cơ thể người sẽ phóng chiếu sức khỏe của môi trường chung quanh. Quan niệm này đã và đang thay đổi cách đối xử của con người đối với tự nhiên, với khoa học, và với những kỹ thuật đã gây ra sự nhiễm độc. Mặc dù cộng đồng khoa học không ghi nhận khía cạnh này ngay tức thời, thì ý tưởng của Carson về sinh thái học của cơ thể con người tiếp tục được xem là đóng góp to lớn và lâu bền nhất.
Rachel Carson luôn khẳng định rằng nội dung sách không hướng đến loại trừ tất cả chất diệt sinh vật độc hại, mà chỉ để chấn chỉnh việc sử dụng tràn lan, thiếu cân nhắc loại chất hóa học này của chính phủ Mỹ. Tuy vậy, cuốn sách Mùa xuân vắng lặng và phong trào môi trường mà nó khởi xướng đã đụng chạm mạnh đến quyền lợi của nhiều người. Kết quả là Carson phải đối mặt với phản biện và chỉ trích cá nhân nặng nề từ phe công nghiệp hóa chất. Tình hình còn tệ hơn khi bà còn phải đối mặt với căn bệnh ung thư vú cùng thời gian đó. Rachel Carson qua đời năm 1964, chưa đến hai năm sau khi cuốn sách được xuất bản.
Mùa xuân vắng lặng đánh dấu một thời khắc quan trọng trong lịch sử Mỹ về vấn đề môi trường, cũng như tác phẩm Túp lều của chú Tom của Harriet Beecher Stowe đối với vấn nạn nô lệ. Những dẫn chứng và lập luận trong sách là bài học trường tồn cho lịch sử. Trường hợp Mùa xuân vắng lặng và Rachel Carson không hẳn chỉ là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về môi trường, mà còn là một phong trào dân sự hiệu quả. Ở đó, hệ thống vận hành chặt chẽ của chủ nghĩa tư bản giữa chính phủ và ngành công nghiệp đã bị chấn động và lung lay.