Rắc rối truyền hình trả tiền

Sáng 16-11, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền, do Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chủ trì. Những vướng mắc lớn của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đã được trình bày và đại diện lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết vẫn phải “xem xét, cân nhắc” chưa thể đưa ra câu trả lời cụ thể.

(SGGP). - Sáng 16-11, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền, do Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chủ trì. Những vướng mắc lớn của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đã được trình bày và đại diện lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết vẫn phải “xem xét, cân nhắc” chưa thể đưa ra câu trả lời cụ thể. 

Theo Quyết định số 20/QĐ-TTg, các kênh chương trình nước ngoài chỉ được phát sóng khi đã được biên tập, biên dịch và kiểm duyệt bởi cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền hình và quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11-2012. Thế nên, trong hội thảo, khi các đơn vị nhận thông báo của Bộ TT-TT về danh mục 16 kênh chương trình nước ngoài đã được cấp giấy phép biên tập đủ điều kiện phát sóng (trong tổng số 75 kênh chương trình nước ngoài đang phát sóng trên mạng lưới truyền hình trả tiền Việt Nam), nhiều ý kiến của đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền, bản quyền truyền hình đã bày tỏ sự lo lắng, phân vân. Việc giảm đột ngột một số lượng lớn các kênh chương trình nước ngoài sau ngày 15-11 gây khó khăn đối với doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên đột ngột cắt kênh, cần có lộ trình và thời gian để thông báo, giải thích với khách hàng.

Ông Trần Văn Úy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, cho biết: “ Hiệp hội đã có hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm bản quyền truyền hình trả tiền Việt Nam để làm đại diện đầu mối chính trong việc đàm phán, mua bản quyền các chương trình nước ngoài theo ủy quyền của các hội viên; đầu mối giúp các hội viên có nhu cầu trao đổi, mua bán, hợp tác, chia sẻ với nhau các kênh - chương trình trong nước; nhưng đến nay trung tâm này vẫn chưa được cấp phép thành lập”. 

Ông Cao Thanh Lâm, đại diện AVG, cho rằng: “Cái gì cấm thì cấm luôn, cái gì cho nên cho sớm”. Có những kênh nước ngoài (như CNN, NHK) thuần về tin tức, phát sóng 24/24 đã trực tiếp gặp Bộ TT-TT để bày tỏ quan điểm không muốn ai can thiệp vào nội dung tin tức của họ và nếu họ tự làm biên dịch, biên tập sẽ đội chi phí lên rất cao. Việc này, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã vượt ngoài tầm của bộ, nên bộ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến. 

N.HOA

16 kênh nước ngoài được cấp phép phát sóng: Discovery, Cartoon Network, Animal Planet, HBO, ESPN, Disney Channel, Star Sports, Kidsco, Fashion TV, Disney Junior, Star Movies, National Geographic Channel, TV5 Monde Asie, Australia Network, DW, KBS World.

Tin cùng chuyên mục